Skip to main content

"Saïgon", một vở kịch

(Ảnh từ Telerama)

Thứ 7 vừa rồi mình vừa đi xem một vở kịch mà mình đã mong chờ từ năm 2017. Khi đó mình vừa mới xuống Aix-en-Provence nhập học Master, được hướng dẫn làm luận án về kịch nói Pháp-Việt và trong một lần rất tình cờ, một sinh viên có mẹ là Việt kiều đã giới thiệu cho mình vở kịch này.  Saïgon lần đầu ra mắt ở festival Avignon năm đó, và gây khá nhiều tiếng vang. Về mặt cảm xúc, rất nhiều người xem (trong đó có mẹ của cô sinh viên nọ) đã khóc, nhiều khán giả quay lại xem lần 2 lần 3. Về mặt thương mại, vở diễn đã đi tour nhiều thành phố và nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bài viết này của mình không nhằm quảng bá cho vở diễn, cũng không có mục đích cung cấp thông tin. Trên internet đã có đầy đủ những thứ cần biết, và trước khi đi, mình cũng đã đọc thử vài review, để nếu có cơ hội sẽ trao đổi với người dựng vở. Như vậy, bài viết này chỉ nhằm nói lên những cảm nghĩ chủ quan của mình, như một người xem với những hiểu biết nhất định và có giới hạn, chứ không phải nói hộ một cộng đồng nào.

Saïgon được giới thiệu như một phần trong ngày Việt Nam (Journée Vietnam) do nhà hát quốc gia La Criée tại Marseille tổ chức. Tuy nhiên, vở kịch có tính độc lập của riêng nó, và có thể được xem một cách riêng biệt. Cũng như cái tên "Saïgon" tuy đã từng thuộc về người Việt Nam, nhưng cũng gìn giữ một phần ký ức của nước Pháp, của những người Pháp đã đến và đã rời khỏi Đông Dương thuộc địa.

Vở kịch gồm có 3 chương và diễn ra trong 2 khung thời gian: 1956 và 1996, giữa Saigon và Paris. Năm 1956, hầu hết người Pháp đã rời bỏ Đông Dương, phá sản và vỡ mộng. Những người Việt nói tiếng Pháp nhận ra họ phải nhanh chóng quyết định, hoặc theo chân người Pháp, hoặc ở lại và bị săn lùng vì quá khứ thân Tây. Có những người mà số phận đã sớm quyết định thay họ, khi vào những năm 39, 40, đã sớm bị xung vào lực lượng lính thợ đi chiến đấu và bỏ mạng cho nước Pháp trong Thế chiến thứ hai. Nơi mà toàn bộ vở kịch diễn ra, và được mang lên sân khấu là  khung cảnh một nhà hàng, với bà chủ người Việt mang một cái tên rất Pháp là .. Marie-Antoinette. Nhà hàng này đã tồn tại ở Saigon năm 56, và tiếp tục tồn tại ở Paris quận 13 (cái này không chắc, vì mình nghe rõ ràng là quận 12, nhưng báo nào cũng nói là quận 13, cũng có lý, tại ở đó mới là khu châu Á và có nhiều Việt Kiều), năm 96, được biến thành "sân khấu" thực sự cho những "tấn trò đời"  (mượn tên tiểu thuyết của Balzac, La Comédie humaine). Ở một góc độ nào đó, nhà hàng này còn như là một nghĩa trang leo lét ánh ma trơi, nơi những hồn ma của quá khứ và hiện tại gặp gỡ và than khóc.

Vì sao lại là ánh ma trơi? Nhiều bài viết đã so sánh hiệu ứng hình ảnh của vở kịch này với phong cách điện ảnh đặc trưng của Vương Gia Vệ, Jim Jarmush hay David Lynch. Ánh đèn neon xanh hồng từ góc sân khấu của nhà hàng, phía bên phải sàn diễn, nơi các diễn viên thỉnh thoảng trở thành ca sĩ nghiệp dư, gợi nhắc nét u muồn mộng mị từ những thước phim của các đạo diễn kể trên. Ở chính giữa, phòng ăn rộng với những bộ bàn ghế kim loại cùng bát đĩa và hoa nhựa chiếm phần lớn không gian sàn diễn, tái hiện khá thành công cách bày trí "rẻ tiền" và "kitsch" của  những nhà hàng Việt Nam ở quận 13 Paris và ở khắp nơi trên nước Pháp. Những nơi mà thời gian không bao giờ đi quá những năm 90, và không gian luôn lắng đọng với playlist bô-lê-rô hài ngoại. Bên trái, một góc nhà bếp với các diễn viên nấu nướng trực tiếp, với những nguyên liệu thấy được như bún và bánh đa (cho món gỏi cuốn).

© Christophe Raynaud De Lage


© Christophe Raynaud De Lage

Một giọng voix-off (nữ, với âm sắc Việt Nam rất rõ khi nói tiếng Pháp) đưa người xem qua các mốc thời gian mà trong đó, sắp đặt sân khấu không có quá nhiều thay đổi để làm nền cho một loạt những xáo trộn đau lòng diễn ra. Khách hàng đến và đi, lúc xanh tóc lúc bạc đầu, có người sinh ra có người đã mất, chỉ có 2 nhân vật trong bếp, là Marie-Antoinette chủ nhà hàng (người phụ nữ trung tuổi đeo tạp dề trên ảnh) và cô cháu gái Lam (tóc dài, mặc váy) là luôn ở đó. Giọng đọc kia có lẽ thuộc về Lam, một người không có câu chuyện riêng để kể, mà cô kể lại chuyện từ góc nhìn của Marie-Antoinette, người mà trong phần sau của câu chuyện, ta mới biết đã mất con trai là lính thợ trong Thế chiến thứ hai. Cô gái này cũng là người duy nhất không gào khóc, không có một cảm xúc mãnh liệt nào, cô lặng lẽ là nhân chứng của ba câu chuyện nối tiếp nhau giữa hai mốc thời gian:
- Năm 1956, ở Saigon, bà Gauthier bị ông chồng bỏ rơi, hoảng loạn giữa cái nóng và sự ẩm ướt của xứ nhiệt đới, tuyệt vọng vì vẫn còn một đứa con phải chăm nom; Mai đau khổ khi Hào, người yêu cô chọn cách đi hát cho người Pháp để kiếm tiền, và chính cô đã thuyết phục Hào sang Paris để bảo toàn mạng sống, rồi hai người sẽ phải xa nhau vĩnh viễn; Linh quyết định rời Việt Nam vì những lời hứa viển vông của Edouard chồng cô, một thanh niên nông nổi bị chiến tranh làm cho hoàn toàn loạn trí.

- Năm 1996, ở Paris, Christophe là con của Linh và Edouard, luôn cáu kỉnh với mẹ, không hiểu vì sao phải ghét bố; Hào quay lại Saigon sau 40 năm và hoàn toàn lạc lõng, ngây dại khi bắt gặp một cô gái có khuôn mặt giống Mai - người yêu cũ; Marie-Antoinette, từ lâu đã biết về cái chết của con trai qua bà Gauthier, nhưng vẫn tổ chức sinh nhật cho con như một sự tự nhắc nhở.

Những người Việt đã trải qua đủ mọi sắc thái của sự đau khổ năm 1956, vào năm 1996 đã quen với việc chôn chặt nỗi đau, già nua và phờ phạc, vẫn ngồi trong quán ăn đó ăn một tô phở "lai" hay "canh chua cá". Họ có thể nói một thứ tiếng Pháp bồi xen tiếng Việt như Marie-Antoinette, hay nói tiếng Pháp làu làu và bập bẹ tiếng Việt ngày trở về như Linh hay Hào. Câu chuyện được kể không có một tiếng súng tiếng bom, không có một cái chết bất ngờ nào, không một cảnh bạo lực, như chính cách mà nỗi đau tha hương tồn tại trong mỗi con người. Khi mà ta đã quá quen với cùng một kiểu diễn ngôn về chiến tranh Việt Nam, với Điện Biên Phủ, Apocalyse Now hay A Quiet American, với pháo, khói và máu, thì Saïgon nổi lên như một bộ soap opera với rất nhiều nước mắt và xung đột nội tâm.

Ngoài những điểm cộng đã nói ở trên, còn một chi tiết rất thú vị : ánh sáng trong vở kịch được sử dụng hoàn hảo và cực kỳ khéo léo. Trong một trích đoạn buổi sáng, có thể cảm nhận được sức nóng và sự gay gắt của ánh nắng chiếu vào nhà hàng qua cửa kính y như ngoài đời thật.

Một số điểm trừ của vở kịch:
- Thời lượng 3 tiếng là quá dài, dễ khiến người xem mệt mỏi.
- Lạm dụng cảnh gào khóc, câu kéo nước mắt của người xem một cách quá đà và lộ liễu, tạo nên một cảm giác não nề và gồng cứng.
Mình cảm thấy cấu trúc và cách thể hiện của vở kịch rất giống những bộ phim tâm lý tình cảm những năm 90, 2000. Nhân vật nào cũng là đổ vỡ, hiểu lầm và khóc lóc ai oán. Vẫn biết không thể áp đặt tiêu chuẩn của cá nhân lên một sản phẩm đại chúng, nhưng mình rất kị việc cho diễn viên khóc để "mồi" khán giả khóc, thêm vào đó là dùng nhân vật nữ hoặc người cao tuổi để dễ tạo lòng thương cảm. Đạo diễn của vở kịch được đào tạo về xã hội học nên cách khai thác này có thể hiểu được. Tuy nhiên nếu lạm dụng, hoặc chỉ cần khán giả có đề phòng một chút, thì ngay lập tức sẽ bị phản tác dụng.
- Dàn dựng sân khấu thiếu linh hoạt. Bếp và góc ca nhạc ở hai bên bị cố định hoàn toàn. Có thể đây là dụng ý của đạo diễn. Cá nhân mình thì muốn thấy nhiều sự thay đổi hơn, sàn diễn luôn đứng im, nhưng nó phải có tính "động" nhất định, không nên để sân khấu "chết".
- Bất cân bằng nam-nữ. Nói thế này sợ mọi người nghĩ mình đòi hỏi cân bằng giới tính quá đà, nhưng với vở diễn này, quá nhiều nữ - nhiều tính "âm" mà lại còn hay khóc, trong một không gian khép kín là nhà hàng, thì không khí dễ trở nên quá nặng nề, không có một khoảng lặng nào để nghỉ ngơi hay vui tươi lên được. Có chăng đây cũng là cách để điều khiển cảm xúc của khán giả!?
- Thiếu tương tác với khán giả, cả buổi mình chỉ ước có một đoạn độc thoại nào đó cho nhân vật đối diện với người xem và thử giãi bày...

Chốt lại, đây là một vở kịch đáng xem, hoàn toàn xứng đáng với những lời khen đã dành cho nó và đã tạo nên điểm khác biệt giữa dòng chảy chung, đã nói lên điều ít người nói đến, nhất là trên sân khấu kịch.
Saïgon không chia phe, không có "ta" và "họ", Cộng sản, Việt Minh, Trung Quốc, Nga hay chống cộng (những thứ mà ta đã nhìn mãi, đọc mãi đến phát nhàm trong văn chương hải ngoại). Vở kịch chỉ khai thác góc nhìn của những nạn nhân của Lịch sử - những người đã bị tước đoạt đi số phận, người yêu, tiếng nói. Không hẳn là dành cho thế hệ 8x hay 9x, nhưng với những ai đã sống qua chiến tranh, qua những cuộc vượt biên và vẫn còn mang những vết thương chưa khép miệng từ đó, thì đây chính là một sự an ủi, dẫu muộn màng, cho những khó khăn, đau đớn mà họ đã trải qua.

Một số review khác (mà mình chọn lọc ra ehehe)
tiếng Việt:
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/cong-dien-vo-kich-sai-gon-tai-tpho-chi-minh-631698.ldo
http://kinhtedothi.vn/vo-kich-noi-tieng-sai-gon-chinh-thuc-cong-dien-325131.html
tiếng Pháp:
https://blogs.mediapart.fr/jean-pierre-thibaudat/blog/150717/festival-d-avignon-les-larmes-de-saigon-se-ramassent-la-pelle
http://www.mouvement.net/critiques/critiques/saigon_1
https://www.telerama.fr/divers/avec-saigon,-caroline-guiela-nguyen-signe-une-piece-dechirante-sur-les-fantomes-de-lindochine,n5440849.php
https://www.telerama.fr/scenes/saigon-bouleverse-avignon,160686.php
https://www.culture-tops.fr/critique-evenement/theatre-spectacles/saigon
https://www.aubalcon.fr/pieces/fiche/saigon

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ