Skip to main content

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

.
[Bài viết từ tháng 6 năm 2021]    

    Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu. 

    Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai điệu trầm và căng thẳng. Vẫn trên nền nhạc ấy, màn hình chuyển sang cảnh tiếp theo, hai người phụ nữ dắt hai chú chó to đi trong một rừng cây thấp. Cảnh này kéo dài nửa phút, rồi màn hình chuyển lại về cảnh người phụ nữ lúc đầu. Sau vài chục giây, màn hình lại bày ra một cảnh mới. Một nhân vật nữ với trang phục kiểu playboy với mũ thỏ, corset đen bó chặt và giày cao gót, vật vã đi trên một triền đất mới cày. Cứ như thế, người xem được thấy một loạt các “tiết mục” hiện ra trước mắt, mỗi tiết mục lại là một, hoặc một vài nhân vật đang xoay xở trong một tình huống lạ lùng. Tất cả dường như đều bất ngờ bị chuyển đến những không gian mà họ không quen thuộc, mà ở đó họ lúng túng và chật vật tìm lối ra. 
(cảnh mở đầu phim)
    Tính chất khác lạ của cảnh trí, tâm trạng bối rối của các nhân vật và của chính người xem đã thỏa mãn yêu cầu đầu tiên của một vở kịch: mâu thuẫn/xung đột kịch. Không gian sân khấu chính là không gian của xung đột, nơi xung đột xuất hiện, lấn chiếm, bành trướng. Khi xung đột phát triển đến cao trào và được giải quyết, vở kịch kết thúc. Aristotle nhắc đến “hành động” như yếu đố cốt lõi của sân khấu trong Thi pháp, nhưng cùng với sự phát triển của tư duy viết kịch và sự ra đời của các thể loại kịch tâm lý, cốt lõi của sân khấu có lẽ nằm ở một “thái độ”. Khi một nhân vật phân vân trong lựa chọn thái độ A hay thái độ B trong xử sự, thì chính trong nhân vật đó đã tồn tại một mâu thuẫn kịch. Bộ phim của Bausch đặt các nhân vật vào trong các bối cảnh mà phần lớn là ngoại cảnh, với những yếu tố chủ quan gây cản trở, đối nghịch và không thể đảo ngược: một người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế bành hút thuốc giữa lòng đường, giữa dòng xe tấp nập, một người phụ nữ khác nhảy múa trong gió tuyết, một người đàn ông cạo râu bên lề đường – nước bẩn từ vũng nước bắn lên người anh khi xe cộ chạy qua. Không gian sân khấu từ trước tới nay, bất chấp những nỗ lực đổi mới, vẫn luôn là một không gian cố định với khả năng biển đổi rất hạn chế. Sự thay đổi liên tục của không gian, của bối cảnh và cách các “tiết mục” nối tiếp nhau không ngơi nghỉ trong phim chính là thành quả đầu tiên từ sự kết hợp giữa điện ảnh và sân khấu. Sự biến đổi của yếu tố “không gian” cũng sẽ dẫn đến những thay đổi của yếu tố “thời gian”. Chuyển cảnh tốc độ cao gần như là bất khả thi trên sàn diễn do thời gian diễn chính là thời gian thực tế, nhưng với kỹ thuật dựng phim, chồng cảnh của điện ảnh, ta có được khả năng thay đổi cả “không gian” lẫn “thời gian”. 



    Thành quả thứ hai khi kết hợp điện ảnh với sân khấu, đó là sự thay đổi điểm nhìn. Những khán giả trung thành của sân khấu kịch phương Tây hẳn không xa lạ với khái niệm “œil du prince” - một thuật ngữ dùng để chỉ vị trí “đẹp” nhất tại hàng ghế khán giả, mà ở đó người xem được đảm bảo sẽ có được trải nghiệm thị giác trọn vẹn nhất. Nhưng vị trí đó chỉ có một, như một tấm vé vàng mà chỉ số rất ít khán giả chúng ta có được. Khi mang sân khấu lên phim, mối quan hệ quyền lực này ít nhiều đã thay đổi. Tất cả người xem đều có “œil du prince”, chính là mắt nhìn của đạo diễn hình ảnh. Dù có đồng ý với máy quay hay không, chúng ta đều bị buộc phải chấp nhận những lựa chọn có sẵn. Không gian của sân khấu trên phim không phải là không gian mà chúng ta san sẻ với những khán giả khác - trong trạng thái bị buộc phải ngồi cứng nhắc trên ghế, mắt hướng về sân khấu, chọn nhìn vào một diễn viên này hay một diễn viên kia, hoặc một chi tiết nhất định nào đó. Với điện ảnh, Pina Bausch đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát không gian sân khấu và những gì được đặt trong không gian đó. Và việc này bao gồm khả năng trình diễn những thứ khó chấp nhận với đám đông khán giả: một người phụ nữ tự nặn ngực mình và làm động tác uống sữa từ lòng bàn tay, một em bé được buộc vào một đầu sợi dây thừng vắt qua chạc cây – đầu kia do một người đàn ông cố sức kéo, hai đứa trẻ khỏa thân khóc vật vã trong vòng tay một người phụ nữ. Những “tiết mục” như thế cứ lần lượt hiện ra trước mắt người xem, tiến lên rồi lại lùi xuống, nối tiếp nhau như chính hình ảnh các vũ công của Bausch trượt patin thành vòng tròn trên một nền nhạc lặp đi lặp lại mãi không dứt. Người xem có thể bị sốc bởi nội dung của mỗi một hình ảnh mà Die Klage der Kaiserin bày ra, nhưng rất nhanh sẽ chấp nhận logic của cả chuỗi hình ảnh đó. Logic của Die Klage der Kaiserin không phải là logic của truyện kể, mà tồn tại nhờ năng lượng của “hành động” lặp đi lặp lại, của “thái độ” thống nhất, của sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi nhân vật đang bị ngoại cảnh kiềm chế và sẵn sàng bộc phát. 

(ảnh cắt từ phim) 
    Thành quả thứ ba gợi nhắc đến câu nói nổi tiếng của đạo diễn Jean-Luc Godard: “les travellings sont affaire de morale” (tạm dịch: “các cú máy bám sát là một vấn đề đạo đức”). Khung hình đọng lại mãi trong tâm trí tôi sau khi xem xong Die Klage der Kaiserin là hình ảnh một người đàn ông cõng một chiếc tủ gỗ lớn gấp nhiều lần thân mình trên lưng, bước đi một cách nặng nhọc giữa một trảng cỏ. Trong phân đoạn thứ nhất, người đàn ông từ từ bước vào khung hình, cất từng bước chậm chạp, dáng vẻ ngốc nghếch và khổ sở như một nhân vật hề kịch. Phân đoạn này kết thúc thì ông đặt chiếc tủ xuống và ngồi nghỉ bên cạnh. Trong phân đoạn thứ hai, người đàn ông đã nghỉ ngơi xong, khi thử đứng lên với chiếc tủ trên lưng thì bị tủ đổ xuống đè lên người. Trong phân đoạn thứ ba, sau vài nỗ lực không thành, ông đứng dựa lưng vào chiếc tủ đã đổ nghiêng, phẩy tay tỏ ý từ bỏ. Trong cả ba phân đoạn trên, người đàn ông là nhân vật duy nhất trong khung hình. Camera quay ông ở góc bán diện, toàn thân, và di chuyển theo ông trong suốt quãng đường vật lộn. Vị trí của camera, và sự bám đuổi dai dẳng mà nó bắt người xem phải chịu đựng – khi chứng kiến nhân vật cũng đang chịu đựng, là một thử thách tâm lý mà bộ phim đặt ra, nhưng đồng thời cũng gợi mở một câu hỏi đặc biệt thú vị: không gian sân khấu có thể “mở” đến đâu? về chiều dài, chiều sâu, chiều rộng? một trải nghiệm sân khấu có thể kéo dài, có thể thử thách diễn viên và người xem tới mức nào? Điện ảnh cho phép người diễn viên chật vật bước mãi, và không gian sân khấu cũng có thể kéo dài, mở rộng tới vô hạn. 

    [Die Klage der Kaiserin được phát hành dưới bản DVD vào năm 2011, ngoài ra cũng tồn tại trôi nổi trên các nền tảng video như youtube hoặc vimeo, nhưng với chất lượng hình ảnh thấp và bị cắt bỏ một số cảnh. Năm 2012, nhà xuất bản L’Arche đã phát hành một tuyển tập những ghi chép xung quanh việc sản xuất bộ phim, cùng một số bài phê bình ngắn về tác phẩm nói riêng và về phong cách sân khấu của Pina Bausch. Tiêu đề của cuốn sách là “Comme une épine dans l’œil” (tạm dịch: “Như một cái gai trong mắt” - ý lấy từ bài viết cũng được đưa vào cuốn sách này của nhà phê bình Heiner Müller). Tuyển tập này không bao gồm bài phỏng vấn Pina Bausch về bộ phim như trong booklet của DVD năm 2011. Bài viết này là những suy ngẫm nảy nở sau khi tác giả xem phim. Một số tiếp tục phát triển và đã gặp gỡ với ý đồ của nghệ sĩ sau khi tác giả tìm đọc những văn bản đã nêu ở trên. Mọi góp ý xin gửi về địa chỉ nkhieuanh@gmail. com]

    Khiếu Anh tốt nghiệp ngành Văn chương và Văn hóa đương đại. Hiện cô đang viết luận án tiến sĩ về sân khấu Đông Dương tại miền Nam nước Pháp.

Comments

Popular posts from this blog

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ