Skip to main content

từ một chuyện trên tàu

Trên tàu RER B đi đến sân bay Charles De Gaulle để chuẩn bị lên máy bay đi Đức, tôi bắt gặp một cảnh tượng làm tôi suy nghĩ suốt chặng đường. Một thanh niên gốc Trung Đông đi dọc khoang tàu, trên tay cầm một xấp giấy và đến đặt vào chiếc ghế trống chiếc mặt tôi một mảnh giấy ghi những dòng chữ, đại ý thế này:

"Je suis réfugié, j'ai trois frères et je ne travaille pas. Je dois faire manger ma famille, aidez-nous s'il vous plaît. Donnez-nous 1e, 2e ou des tickets restaurants."

(Tôi là người tị nạn, tôi có 3 anh em trai và tôi không có việc làm. Tôi phải nuôi sống gia đình mình, xin hãy giúp đỡ. Xin hãy cho chúng tôi 1 euro, 2 euro hoặc thẻ ăn (dùng ở các nhà hàng).

Thông điệp này chạm đến tận đáy lòng tôi. Ngắn gọn, xúc tích và quá sức chân thật. Tôi không nhớ rõ trong đó có ghi quốc tịch hay đất nước mà họ rời bỏ không (có lẽ là không), nhưng từ "tị nạn" (réfugié) đã khiến tôi xúc động. Hàng triệu những con người đang lang bạt trên một mảnh đất không phải quê hương mình, nói thứ tiếng không phải tiếng nước mình, chịu đói rét và bất công xã hôi. Đó có phải lỗi của họ hay không? Sức mạnh nào đã khiến các quốc gia xung đột lẫn nhau, bán vũ khí cho nhau, ký những quyết định bán rẻ xương máu của nhân dân để tăng thêm vị thế trên một cán cân quyền lực vô hình.

Anh thanh niên này không nhận mình thất nghiệp (chômeur) mà viết rằng "je ne travaille pas" (tôi không làm việc). Điều này có hợp lý không, khi mà vấn đề giải quyết việc làm cho người tị nạn không bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc? Người tị nạn được coi như một đám đông, một cộng đồng, một "khối" người vô danh trào từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ châu lục này sang châu lục khác, và không được đón nhận ở bất cứ nơi nào. Đó có phải là lỗi của họ hay không?

Tôi sống ở một thành phố nhỏ cách Paris hơn 2 tiếng đi tàu. Một nơi yên tĩnh đến nỗi nhiều người Pháp và đa số người Việt Nam tại Pháp không biết nó nằm ở đâu. Thành phố nơi tôi sống có nửa dân số là sinh viên, quá nửa trong số đó có lẽ là sinh viên nước ngoài: đến từ Trung Quốc và các nước khác trong khối Schengen. Ở đây, tôi rất ít tiếp xúc với những người Thổ, người gốc Phi và không bao giờ cho tiền người vô gia cư. Những lần hiếm hoi lên Paris, tôi bước vào một thế giới hỗn độn và đa sắc tộc, với những ga tàu điện ngầm là nơi trú ngụ của rất nhiều người không nhà cửa. Hầu như mỗi chuyến tàu tôi bước lên, đều có mặt một "nhạc công" bất đắc dĩ, chơi một khúc nhạc để xin tiền. Đôi khi tôi thưởng thức những giai điệu ấy một cách rất thật thà, nhưng chưa bao giờ thò ra một xu, vì tôi cũng nghèo. Đôi lần tôi lại nghĩ, nếu người ta chỉ học một chiêu ấy để đi moi móc xu thừa thì thiên hạ: mua một cái đàn rồi học một khúc bất kì chơi đi chơi lại 100 lần mỗi ngày, thì tôi sẽ không tha thứ cho mánh lới đó.

Ngày hôm đó, cũng trên chuyến RER, sau khi anh thanh niên đi thu lại những mảnh giấy và tiền quyên góp được từ khách đi tàu (không có tiền của tôi trong đó), tôi đã muốn đưa cho cô gái chơi accordéon ở bến sau đồng 20 centime trong túi. Nhưng cô gái ấy chơi dở quá, và cô không chơi Sous le ciel de Paris. Bầu trời Paris hôm đó hơi nặng nước mưa, và con tàu chạy chầm chậm qua khu ngoại ô hiu hắt không khác gì những khu công nghiệp ven đô ở xứ nhiệt đới nơi tôi sinh ra.

Sau vòng 1 cuộc bầu cử cấp vùng (dịch từ élections régionales), tôi xem một bản tin của Le Petit Journal (nổi tiếng hẳn sau cuộc phỏng vấn với hai bố con gốc Việt sau vụ khủng bố ở Paris). Chương trình mời một chuyên gia, hình như là về nhân chủng học và tâm lý học cộng đồng gì đó, để phân tích kết quả bầu cử đang nghiêng mạnh về phía đảng cực hữu Front National của nhà Le Pen. Chuyên gia này nói, phần đông những người bầu cho đảng này nằm ở những vùng cách xa trung tâm, những nơi ít người nhập cư hay người da màu. Ông nói đến một biểu đồ, như Paris là nơi có số người nhập cư đông nhất rồi lấy đó làm tâm một vòng tròn, bán kính càng lớn, mật độ này càng thưa thớt. Biểu đồ ấy, hiểu một cách khác, càng xa Paris, người ta càng kỳ thị những người tị nạn.
Chuyên gia giải thích rằng, khi chúng ta sống cùng với họ, chạm mặt họ mỗi ngày và ở khắp nơi, càng có cơ hội để tiếp xúc và giao tiếp, những hiểu lầm hay định kiến sẽ giảm đi.

Dường như tôi đã hiểu điều đó khi đặt chân xuống Paris. Trong cuộc sinh tồn ở thành phố nhộn nhịp này, người ta cũng quá bận rộn để sống cuộc đời của mình, để hoặc thông cảm với cuộc mưu sinh của người khác, hoặc hoàn toàn lờ biến đi. Nhưng tôi biết, khi tôi sống ở một tỉnh lẻ hiền lành, "người tị nạn" với tôi sẽ luôn là một khái niệm, trong một chuỗi ý niệm đánh đồng: nhập cư - nhà nước Hồi giáo - khủng bố và bạo động. Hay khi tôi bước xuống xe bus từ Berlin về Hamburg, theo tay bạn mình chỉ về phía khu trại của những người tị nạn - như một ghetto hiện đại - và thấy lạnh sống lưng.
Bỗng nhiên, tôi nhận thấy rằng điều quan trọng không phải tôi đang ở đâu, ở Việt Nam hay ở Pháp, ở một xó của châu Âu hay nơi hoa lệ bậc nhất của chốn văn minh. Mà là tôi được di chuyển giữa những vùng ý thức của chính mình, để mở rộng những giới hạn trong suy nghĩ, được xô đẩy giữa những luồng tư tưởng và rốt cuộc, để thấy và hiểu những gì đè nặng lên cuộc sống của tất cả mọi người, mà lại không dễ gì dỡ bỏ.

Câu chuyện những thuyền nhân Việt Nam đã thuộc về thế hệ của ông bà, bố mẹ tôi. Tôi đọc Những thiên đường mù của Dương Thu Hương mà không thấy nhiều thông cảm ngoài cảm giác ghê rợn về một chế độ đã qua. Nhưng tôi biết ở nhiều nơi, chiến tranh, xung đột và những chế độ độc tài hay toàn trị vẫn đang hiện hữu và luôn chờ cơ hội để trỗi dậy. Nếu không phải là những mưu toan chính trị ấy, thì là thế lực nào đã đẩy những con người vô tội vào tình cảnh phải rời bỏ quê hương, biến những chủ nhà hiểu khách thành những kẻ đa nghi và bần tiện.

Dù đó là những điều tôi đã nghĩ, viết ra những dòng này lại làm tôi thấy hoài nghi về sự "mạnh mồm" của mình. Bức tranh có thể lớn hơn tôi đã thấy, kết luận thế nào cũng sẽ thành nông nổi. Tôi chỉ ưa thích những câu chuyện viễn tưởng. Như 1984 tôi đã kể như một ví dụ về dysopia (dịch là gì nhỉ?) của chế độ toàn trị, hay vai trò của tình yêu mà người ta cứ mãi vin vào khi nhắc đến Trăm năm cô đơn. Dòng họ Buendía bị tận diệt có phải vì họ sống thiếu tình yêu và tự cô lập mình với thế giới?

Về mặt ý nghĩa, cái đuôi lợn của dòng họ Buendía là sự vật chất hóa của tác giả về tính ích kỷ của loài người đã đánh mất bản chất người. Những con người trong dòng họ này có đầy đủ trí tuệ và sức khỏe cần thiết, nhưng thiếu trái tim yêu thương sôi nổi. Tình yêu mới là cái cần thiết để thoát khỏi cảnh cô đơn. Truyện có thông điệp kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất của mình, vượt qua mọi định kiến, thành kiến cá nhân để hòa đồng với gia đình, với xã hội. Theo lời người dịch truyện, Gabriel Garcia Marquez đã từng tuyên bố rằng ông để cả đời sáng tác về cái cô đơn, thông qua nó, ông kêu gọi mọi người đoàn kết lại để "...sáng tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận của mình, ngay cả cách thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự và nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này...

(tôi chưa tìm hiểu về cách diễn giải này, có lẽ là của dịch giả Nguyễn Trung Đức - người đã dịch tác phẩm sang tiếng Việt.)



Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ