Skip to main content

một bức ảnh

Mình vốn không thích bị chụp ảnh, lý do thì chắc là do thấy mình trong ảnh với mình ngoài đời không giống nhau miếng nào; mình cũng không biết "tạo dáng", nên lên ảnh trông luôn ngớ ngẩn. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, khi người cầm máy là ai đó thân thiết với mình, thì ảnh trông sẽ dễ coi, dễ thương, và có thể dùng làm ảnh profile trong những dịp thực sự cần.

Nhưng mình không định nói về nỗi sợ này ở đây.
Mình muốn nói về một bức ảnh cụ thể, mà mình sẽ miêu tả nó, sẽ đặt nó vào những hoàn cảnh khác nhau để hình dung, chứ không chèn nó vào giữa những dòng chữ này.
Mình muốn nói về bức ảnh chụp mình với ông bà ngoại vào khoảng năm 2001. Sở dĩ nhắc đến thời điểm đó, vì trong ảnh bà mình đang bế em bé cháu mình (con của chị họ mình) - chắt nội đầu tiên của ông bà, bên cạnh là mình và ông ngoại: ông một tay ôm choàng lấy mình, tay kia đặt nhẹ lên chân cháu bé và tay bà ngoại. Mình mặc một cái áo trắng dài tay, váy bò yếm xanh, đầu hơi nghẹo sang một bên rất điệu.
Tấm ảnh này đã ở trong điện thoại của mình một thời gian, có lẽ là do mẹ chụp lại rồi gửi qua messenger nên hình rất nhòe. Chỉ có nụ cười vui sướng và khuôn mặt hạnh phúc của mỗi người trong ảnh là không thể nhầm lẫn được (trừ cháu bé ra vì cháu ..bé quá). Đến một ngày nọ, không nhớ vì lý do gì, mình đã cài tấm ảnh này làm màn hình chờ điện thoại. Thế là, thỉnh thoảng, khi ấn vào nút home để xem giờ, sẽ thấy ông ngoại đang nhìn mình cười âu yếm.

Làm sao miêu tả được cảm giác vừa yên tâm, vừa se lòng khi nhìn thấy nụ cười ấy nhỉ? Trong ảnh, bên cạnh mình là ông bà ngoại - những người đã nuôi mình, ấp ủ mình từ thuở bé khi bố mẹ còn bận đi làm. Bà nấu canh rau đay mùng tơi với bột tôm, luôn cầm quạt nan phe phẩy cho mình trên tấm phản gỗ mà mình cứ lăn qua lăn lại hai đầu biết bao nhiêu buổi trưa không thấy mệt. Cũng là bà mở cửa cho mình những nửa đêm mình mè nhèo đòi về với mẹ, hay lại mở cửa cho mình mỗi khi mình bị mẹ đánh đòn. Ông đưa đón mình đi học ở nhà trẻ, mua cho mình chùm nho xanh để mình vắt vẻo ăn sau xe đạp, rồi đến cấp 2 có hôm ông vẫn cọc cạch đi xe Chaly đón mình ở lớp học thêm. Gia đình mình chỉ là những người lao động bình thường, ngày xưa ông bà đi kháng chiến rồi về Hà Nội, ông đi lái xe còn bà làm ở nhà máy xi măng. Biết bao nhiêu vất vả nhọc nhằn chỉ được nghe bà ngoại kể lại. Ngày mình học lớp 1, tức là thời điểm bức ảnh kia được chụp, ông bà cũng đã gần tám mươi. Đứa trẻ con lúc ấy là mình lớn lên ngây thơ, luôn có ông bà ở bên cạnh che chở vỗ về. Nhưng đến một ngày trí óc non nớt của mình cũng nhận ra là ông bà không ở mãi với mình được. Thế là dù vẫn còn đang tập viết, còn viết sai chính tả, mình cũng đã lén viết lên tường nhà, những góc kín vừa tầm với của mình như là góc giường hay cạnh ghế, những dòng như là "cháu không muốn ông bà chết đâu". Rồi chẳng biết có ai từng đọc được không. Đôi khi trong những lúc trằn trọc không ngủ được (từ bé mình đã khó ngủ), mình chảy nước mắt khi nghĩ về một ngày không có ông bà nữa.

Ông bà mình vốn không quá hòa thuận, thậm chí là khắc khẩu. Đến trước khi ông mất, thậm chí bà còn nghi ngờ, giận dỗi và nói những lời không hay với ông. Nhưng trong bức ảnh đó, ông bà trông hạnh phúc quá, làm mình tự hỏi ông bà đang nghĩ gì vào ngay lúc ấy?

Mình vốn không thích bị chụp ảnh, mình cũng không thích chụp ảnh người khác vì sợ phiền đến sự riêng tư của họ, hay ngại những khoảnh khắc chỉ đạo cho ai đó "diễn", chỉ để bắt được những nụ cười kiên cưỡng. Nhưng bỗng nhiên hôm nay nhìn vào bức ảnh với ông bà, mình bỗng nhận ra là việc chụp ảnh - như một trong những lý do chính đáng cho sự tồn tại của nó - cho phép người ta lưu giữ những khoảnh khắc thực sự quý giá, những khoảnh khắc có thể không tồn tại trong đời sống thật, hay chỉ vụt qua, hay chỉ là một cơn mơ mộng bỗng dưng có hình hài. Nắm bắt những cảm xúc, trạng thái nhất thời. Nhìn vào bức ảnh đó, mình quên đi mọi mâu thuẫn mình đã biết, mọi khổ đau mình đã từng chứng kiến, tất cả còn lại - kỳ diệu làm sao - chỉ là niềm vui ngập tràn và sự no đủ. Viên mãn. Nhìn vào đó, mình vừa thấy ấm áp, vừa se sắt trong lòng. Niềm hạnh phúc ấy sẽ không bao giờ đổi thay, nó đã trở thành vĩnh cửu, nhưng mình có sở hữu nó không? Trong khoảnh khắc bức ảnh được chụp, hẳn là mình đã sống trong đó, mình thậm chí còn là một phần của bức ảnh. Một đứa bé xinh xắn, hạnh phúc, được yêu thương. Mình tin là đứa bé ấy vẫn tồn tại trong mình, như tình yêu thương và ký ức về ông bà vẫn nâng đỡ mình mỗi ngày. Chỉ là bức ảnh đó, cũng như khoảnh khắc đó, là duy nhất, và mình đau buồn. Trong sáu năm, khoảng thời gian mình dần lớn lên và rời tuổi thành niên, mình đã lần lượt mất đi ông ngoại và bà ngoại - những người quan trọng nhất với mình, những người luôn vững chãi nhất, không từ chối mình bất cứ điều gì, luôn kiên nhẫn chờ mình về. Bà để phần táo cho mình, ông hỏi "Cún đi thi có làm được bài không?". Làm sao để có lại những điều đó?

Những người trong bức ảnh sống mãi trong một khoảnh khắc của hạnh phúc kéo dài bất tận. Đó là một niềm an ủi, nhưng có lẽ, cũng là một sự nhắc nhở triền miên.

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ