Skip to main content

[The Paris Review] Umberto Eco - The Art of Fiction no. 197

Phỏng vấn

Umberto Eco, The Art of Fiction No. 197
Số 185 - Summer 2008


Người phỏng vấn: Lila Azam Zanganeh

Lần đầu tiên tôi gọi điện cho Umberto Eco, ông đang ngồi bên chiếc bàn của mình, trong dinh thự được xây từ thế kỷ mười bảy, trên ngọn đồi bên rìa Urbino, gần vịnh Adriatic nước Ý. Ông cất lời ca ngợi vẻ đẹp của cái bể bơi, nhưng lại lo rằng tôi sẽ phải xoay xở với con đường núi đèo dốc quanh co. Vậy nên chúng tôi quyết định cuộc gặp sẽ diễn ra ở căn hộ của ông tại Milan. Tôi đến đây vào tháng Tám đúng dịp ferragosto, đợt nắng nóng nhất mùa hè và là ngày Nhà thờ Công giáo mừng Lễ Đức Mẹ lên Trời. (Assumption of the Virgin Mary). Các tòa nhà gạch xám của Milan lấp lánh trong cái nóng, với một lớp bụi mờ phủ trên những vỉa hè. Đâu đó vang lên tiếng động cơ xe. Đặt chân vào tòa nhà nơi Eco ở, tôi chui vào chiếc thang máy có từ đầu thế kỷ và nghe liền thấy tiếng kẹt cửa ở tầng trên. Vóc dáng bệ vệ của Eco xuất hiện sau tấm cửa lưới bảo hộ thang máy.

“Ahhh”, ông kêu lên, hơi nhăn nhó.

Căn hộ là một mê cung hành lang với các giá sách chạm đến tận cái trần nhà đặc biệt cao – ba mươi nghìn cuốn, Eco nói, cộng với hai mươi nghìn cuốn nữa trong dinh thự. Tôi bắt gặp các sách luận khoa học của Ptolemy cùng với tiểu thuyết của Calvino, nghiên cứu phê bình của Saussure và Joyce bên cạnh những giá dành riêng cho lịch sử Trung Cổ và những bản chép tay về các thuật bí truyền. Thư viện này trông thật sống động, nhiều cuốn sách có vẻ được tra cứu rất thường xuyên; Eco đọc nhanh và có trí nhớ phi thường. Nhiều giá chứa tất cả công trình toàn tập của chính Eco, được dịch ra các thứ tiếng (Ả Rập, Phần Lan, Nhật Bản… tôi bỏ cuộc sau khi đếm được hơn ba mươi ngôn ngữ). Eco chỉ vào những cuốn sách của mình với một tính chính xác cao độ, thu hút sự chú ý của tôi từ tập này sang tập khác, từ nghiên cứu lý thuyết phê bình đầu tiên gây được tiếng vang, The Open Work, cho đến tác phẩm gần đây nhất, On Ugliness.

Eco bắt đầu sự nghiệp của mình là một học giả ngành nghiên cứu Trung Cổ và Ký hiệu học. Và rồi vào năm 1980, ở tuổi bốn mươi tám, ông xuất bản một cuốn tiểu thuyết: The Name of the Rose (Tên của Đóa Hồng). Vị giáo sư hóa thành một ngôi sao trên diễn đàn văn học. Các nhà báo theo đuôi, mỗi lời nhận định văn hóa đều được thèm khát, hiểu biết uyên bác được phát lộ, Eco trở thành nhà văn người Ý quan trọng nhất còn sống. Từ thời điểm đó trở đi, ông tiếp tục viết các tiểu luận huyễn tưởng, các công trình nghiên cứu, thêm bốn tiểu thuyết bán chạy hàng đầu, trong đó có Foucault Pendulum (1988) và The Mysterious of Queen Loana (2004).
Bước theo bước chân nặng nề của Eco dọc hành lang, chúng tôi bước vào phòng khách. Qua khung cửa sổ, bóng hình sắc nét của một lâu đài thời Trung Cổ in lên bầu trời thành Milan. Tôi đã hằng mong sẽ được thấy những tấm thảm cùng với đồ cổ Ý, nhưng lại bắt gặp đồ nội thất hiện đại, với tủ kính bày vỏ sò và một vài cuốn truyện tranh, một cây đàn lute, một bộ sưu tập ống sáo và một bộ cọ vẽ. “Cái này này, là do Arman tặng riêng cho tôi đấy…”

Tôi ngồi trên chiếc trường kỷ dài màu trắng, trong khi Eco yên vị trong chiếc ghế bành thấp, điếu xì gà trên tay. Trước đây ông thường hút đến sáu điếu thuốc lá một ngày, ông nói với tôi, nhưng giờ chỉ còn một điếu xì gà không châm lửa. Sau câu hỏi đầu tiên của tôi, đôi mắt khép hờ của Eco mở bừng ra khi đến phiên ông trả lời. “Tôi nuôi dưỡng niềm đam mê với thời Trung Cổ,” ông nói, “giống như một số người cảm thấy hứng thú với cây dừa ấy.” Ở Ý, ông rất nổi tiếng với battute của mình, một kiểu thở hắt ra rất kịch mà ông nhấn nhá vào giữa những vế câu trúc trắc của mình. Ông càng nói, giọng ông như lại càng lớn thêm. Rồi ông bắt đầu đưa ra các gạch đầu dòng, như thế đang say sưa trong một lớp học: “Số 1: khi tôi viết The Name of the Rose đương nhiên tôi không hề biết, cũng không ai biết, Aristote đã viết điều gì trong tập sách thất lạc của bộ Poetics, cái tập sách kinh điển về kịch nghệ ấy. Nhưng bằng cách nào đó, trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết, tôi đã phát hiện ra. Số 2: tiểu thuyết trinh thám đặt ra câu hỏi chủ chốt của triết học – ai đã làm điều đó?” Khi ông nhận ra người tiếp chuyện có vẻ đủ thông minh, ông nhanh chóng ban tặng thêm những nhận xét hàn lâm: “Phải, đúng thế. Nhưng tôi cũng muốn bổ sung là…”

Sau hai tiếng đầu của buổi phỏng vấn, Mario Andreose, chủ nhiệm mảng văn học của Bompiani, nhà xuất bản tiếng Ý của Eco, đến nơi đưa chúng tôi đi ăn tối. Renate Ramge, bà vợ bốn mươi nhăm tuổi của ông, ngồi ở ghế cạnh Andreose, còn Eco và tôi ngồi ghế sau. Eco, người chỉ vài phút trước còn sục sôi tinh thần và nhiệt huyết, giờ có vẻ ủ rũ và xa cách. Nhưng tâm trạng của ông sớm khá lên sau khi chúng tôi bước vào nhà hàng và một đĩa bánh mì đã được đặt ngay trước mặt. Ông liếc menu, lưỡng lự, rồi khi người bồi bàn vừa đến, vội vã gọi một đĩa calzone và một ly Scotch. “Ừ đúng, tôi không nên làm thế, không nên…” Một độc giả tươi cười tiến lại gần, “Ông có phải là Umberto Eco không ạ?” Ngài giáo sư nhíu một lông mày, cười toét và bắt tay. Sau đó, ngay khi cuộc nói chuyện được nối lại, Eco  đã say sưa thao giảng về Giáo hoàng Benedict XVI, sự sụp đổ của Đế chế Ba Tư và bộ phim về JamesBond vừa mới ra mắt. “Cô có biết là,” ông nói khi đang xắn miếng calzone, “tôi đã xuất bản một nghiên cứu cấu trúc luận về nguyên mẫu trong kịch bản của Ian Fleming không?”


Người phỏng vấn (NPV)
Ông sinh ra ở đâu?

ECO
Ở thành phố Alessandria. Nơi đó nổi tiếng nhờ những chiếc mũ Borsalino.

NPV
Ông xuất thân từ gia đình như thế nào?

ECO
Cha tôi là kế toán còn ông nội là thợ sắp chữ. Cha tôi là con út trong mười ba đứa con. Tôi là con trai cả của ông. Con trai tôi là con cả của tôi. Đứa con đầu của nó là con trai. Vậy nên nếu ai đó tình cờ phát hiện ra rằng dòng họ Eco là con cháu của hoàng đế Byzantin, thì cháu trai tôi hẳn là người kế vị !
Ông nội có một ảnh hưởng quan trong lên cuộc đời tôi, dù tôi không thường xuyên đến thăm ông, vì ông sống cách thành phố ba dặm và ông mất khi tôi lên sáu. Ông luôn tò mò về cuộc sống và đọc rất nhiều sách. Điều tuyệt vời là khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu đóng sách ở nhà. Vậy nên lúc nào ông cũng có các quyển sách chờ đóng nằm rải rác khắp nơi – những cuốn tiểu thuyết có hình minh họa, cũ kỹ và đẹp đẽ của Gautier hoặc Dumas. Đó là những cuốn sách đầu tiên tôi nhìn thấy. Khi ông mất vào năm 1938, nhiều người chủ của những quyển sách chưa đóng đó không liên lạc để lấy lại chúng, nên gia đình tôi quyết định chuyển hết chúng vào một chiếc hộp lớn. Sau đó tình cơ, cái hộp lại được đặt ở tầng gác ngôi nhà của bố mẹ tôi. Thỉnh thoảng tôi được sai lên đó để lấy ít than củi hoặc một chai rượu, rồi một ngày tôi mở chiếc hộp ấy ra và tìm thấy một kho tàng sách truyện. Từ tôi chăm lên tầng gác hơn và khám phá ra ông nội tôi cũng sưu tầm một tờ tạp chí nổi tiếng, Giornale illustrato dei viaggi e delle avventure di terra e di mare – bích báo về du lịch và phiêu lưu trên đất liền và trên biển – dành cho các câu chuyện kỳ lạ và đáng sợ diễn ra ở những vùng đất xa xôi. Đó là chuyến xâm nhập đầu tiên của tôi vào xứ sở của những câu chuyện. Thật không may là tôi đã đánh mất tất cả số sách và tạp chí đó, nhưng sau vài thập kỷ, tôi đã dần thu thập lại được chúng từ các hàng sách và chợ đồ cũ.

NPV
Nếu như ông chưa từng nhìn thấy cuốn sách nào trước khi đến thăm ông nội mình, tức là bố mẹ ông không hề có sách ?

ECO
Kể cũng lạ, hồi còn trẻ, cha tôi rất ham đọc. Nhưng vì ông bà tôi có đến mười ba đứa con, nên gia đình kiếm sống chật vật và cha tôi không có tiền để mua sách. Vậy nên ông ấy đến các cửa hàng sách và đứng đọc ngay trên trên vỉa hè. Khi nào chủ cửa hàng thấy phát cáu vì thấy ông ấy cứ loanh quẩn xung quanh, cha tôi bèn đến cửa hàng tiếp theo và đọc phần còn lại của cuốn sách ở đó, cứ như vậy. Đó là hình anh mà tôi rất trân trọng. Đứa trẻ nhằng nhẵng theo đuổi những cuốn sách. Khi đã trưởng thành, cha tôi chỉ được rảnh rỗi vào buổi tối và lúc đó ông thường đọc báo và tạp chí. Trong nhà chúng tôi chỉ có một ít tiểu thuyết, nhưng chúng không nằm trên giá sách mà nằm trong tủ quần áo. Thỉnh thoảng tôi thấy cha đọc tiểu thuyết mượn được từ bạn bè ông.

NPV
Ông ấy nghĩ gì khi ông trở thành một học giả khi còn trẻ tuổi như vậy?

ECO
Ồ, ông ấy qua đời khá sớm, năm 1962, nhưng trước đó tôi cũng đã kịp xuất bản một vài cuốn sách. Một số nghiên cứu thôi, và hẳn là chúng đã khiến cha tôi bối rối đôi chút, nhưng rồi tôi phát hiện ra là vào những lúc tối muộn, ông ấy đã cố gắng đọc chúng. The Open Work được xuất bản chính xác ba tháng trước khi ông mất và được nhà thơ vĩ đại Eugenio Montale viết bài điểm sách trên tờ Corriere della Sera. Đó là một bài điểm sách rất lạ lùng – đầy hiếu kì, thân thiện và cũng thô tục nữa – nhưng được viết bởi Montale, và vì thế, tôi cho rằng, với cha tôi thật khó mà có thể hình dung ra điều gì tuyệt vời hơn thế nữa. Theo một cách nào đó, tôi đã trả được món nợ của mình, và cuối cùng thì, tôi cảm thấy mình đã thỏa mãn được những trông đợi của ông, dù rằng tôi nghĩ ông có lẽ thấy vui thích hơn nếu được đọc các tiểu thuyết của tôi. Mẹ tôi sống thêm mười năm sau đó, nên bà ấy biết là tôi đã viết thêm nhiều cuốn khác, và tôi được mời đến đọc sách ở các trường đại học ngoại quốc. Bà ấy ốm rất nặng, nhưng hạnh phúc, dù tôi không nghĩ là bà đủ minh mẫn để hiểu điều gì đang xảy ra. Và cô biết đấy, một người mẹ luôn tự hào về con trai mình, dù cho đứa con đó hoàn toàn ngu ngốc.

NPV
Ông là một đứa trẻ khi chủ nghĩa Phát xít lên ngôi ở Ý và chiến tranh bùng nổ. Ông đã ý thức về điều đó như thế nào?

ECO
Đó là một quãng thời gian kỳ lạ. Musslini là một nhân vật đầy lôi cuốn, và như mọi đứa học trò người Ý vào thời điểm đó, tôi gia nhập phong trào Phát xít của thanh thiếu niên. Tất cả chúng tôi bị bắt mặc đồng phục theo kiểu quân đội và tham dự các buổi biểu dương lực lượng vào mỗi chủ nhật - chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Cũng tương tự như việc ngày nay người ta cho một chú bé người Mỹ ăn mặc kiểu lính thủy – và chú ta hẳn sẽ thấy vui thích. Đối với những đứa trẻ chúng tôi, phong trào đó là cái gì đó hoàn toàn tự nhiên, như tuyết vào mùa đông hay cái nóng mùa hè. Chúng tôi không thể hình dung ra một cách sống nào khác. Tôi nhớ về thời kỳ đó với một tình cảm dịu dàng y như bất cứ ai nhớ về tuổi thơ của họ. Tôi thậm chí còn nhớ các cuộc đánh bom, những đêm trong hầm trú ẩn, một cách trìu mến như thế. Khi tất cả chấm dứt vào năm 1943, cùng với sự sụp đổ lần đầu của chủ nghĩa Phát xít, tôi mới phát hiện ra sự tồn tại của những đảng phái chính trị khác, những các nhìn nhận khác qua báo chí dân chủ. Để tránh những đợt đánh bom từ tháng Chín năm 1943 đến tháng Tư năm 1945 – giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử của đất nước – mẹ tôi đã đưa chị gái và tôi đến sống ở vùng ngoại ô, lên phía Monferraton, ở một ngôi làng nói tiếng Piedmonte và cũng là nơi tập trung của lực lượng kháng chiến thời ấy.

NPV
Ông đã chứng kiến trận đánh nào chưa?

ECO
Tôi nhớ đã từng nhìn thấy những cuộc đấu súng giữa phe Phát xít và quân Du kích, gần như tôi đã muốn tham gia vào trận đánh. Đến mức mà tôi xông lên, tránh được một viên đạn nhắm vào mình rồi tìm cách nhảy vào chiến trường. Và rồi, từ ngôi làng mà chúng tôi sống, tôi còn nhớ mình có thể nhìn thấy hầu như hàng tuần chúng đánh bom Alessandria, nơi cha tôi đang làm việc. Bầu trời vỡ ra như một trái cam. Vì đường dây điện thoại không hoạt động, nên chúng tôi phải đợi đến cuối tuần, khi cha trở về nhà để biết ông còn sống hay đã chết.Trong suốt thời gian đó, sống ở vùng nông thôn, một chàng trai trẻ phải tự học cách để sống sót.

NPV
Chiến tranh có ảnh hưởng gì đến quyết định cầm bút của ông không?

ECO
Không, không có mối liên hệ trực tiếp nào cả. Tôi đã bắt đầu viết trước khi chiến tranh xảy ra, hoàn toàn độc lập khỏi nó. Thời niên thiếu tôi đã viết các cuốn truyện tranh, vì tôi đọc rất nhiều thể loại đó, cùng với các tiểu thuyết huyễn tưởng, về chuyện xảy ra ở Malaysia và Trung Á. Tôi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và tôi muốn chúng phải được tạo ra như cách chúng sẽ được in, nên tôi cầu kỳ viết các chữ in hoa và vẽ tít, tạo mục lục, vẽ các tranh minh họa. Công việc ấy tỉ mẩn quá nên rốt cuộc tôi chưa bao giờ hoàn thiện được cuốn nào. Khi đó, tôi là một nhà văn vĩ đại của những tuyệt tác dở dang. Dù hiển nhiên là, khi tôi bắt đầu viết tiểu thuyết, những hồi ức về chiến tranh đã giữ một vai trò nhất định. Nhưng ai cũng vậy cả thôi, một người luôn bị ám ảnh bởi những ký ức từ một thời tuổi trẻ.

NPV
Ông đã từng cho ai xem những quyển sách của thời kỳ đó chưa?

ECO
Có thể là cha mẹ tôi đã thấy những gì tôi làm khi đó, nhưng tôi không nghĩ là tôi đã đưa cho bất cứ ai đọc chúng. Đó là thú vui tội lỗi của mình tôi thôi.

NPV
Ông đã từng thử viết thơ vào thời kỳ đó. Trong một tiểu luận, ông có viết: “thơ ca do tôi sáng tác được sinh ra và có hình thức y như mụn trứng cá của tuổi dậy thì” [my poetry had the same functional origin and the same formal configuration as teenage acne]

ECO
Tôi nghĩ rằng vào một độ tuổi nhất định nào đó, khoảng 15 hay 16, thơ ca cũng giống như thủ dâm vậy. Nhưng khi giai đoạn đó qua đi, nhà thơ giỏi sẽ đốt hết những bài thơ thời trẻ, còn nhà thơ tồi thì sẽ đem chúng đi xuất bản. Tôi may mắn là đã bỏ cuộc từ sớm.

NPV
Ai là người đã động viên ông trên con đường văn học?

ECO
Bà ngoại tôi, bà ấy là một độc giả đầy mê say. Bà chỉ học đến lớp năm trường tiểu học, nhưng là thành viên của thư viện thành phố, và mỗi tuần bà luôn mang về nhà cho tôi hai hay ba quyển sách: tiểu thuyết ba xu [dime novels] hoặc Balzac. Đối với bà ấy, không có sự khác biệt nào, chúng đều hấp dẫn như nhau. Mặt khác, mẹ tôi đã học để trở thành một thư ký đánh máy. Bà bắt đầu học tiếng Pháp và tiếng Đức, và dù rằng khi còn trẻ mẹ đọc rất nhiều, bà dần xao nhãng khi bắt đầu có tuổi, chỉ còn đọc tiểu thuyết diễm tình và tạp chí dành cho phụ nữ. Vậy nên tôi không đọc những gì bà ấy đọc. Nhưng bà luôn nói chuyện đầy duyên dáng, với một phong cách Ý vững vàng và viết thư hay đến nỗi bạn bè của bà từng nhờ bà viết thư hộ cho họ. Bà có một sự nhạy cảm đáng kể với ngôn ngữ, dù đã rời trường học từ khi còn ít tuổi. Tôi nghĩ là tôi đã được thừa hưởng đặc tính tuyệt vời ấy từ bà, đó cũng chính là yếu tố đầu tiên tạo nên phong cách của tôi.

NPV
Dựa vào đâu để nói về yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết của ông?

ECO
Đối với tôi thì, theo một cách nào đó, mọi tiểu thuyết đều có yếu tố tự truyện. Khi ta tưởng tượng ra một nhân vật, ta gửi vào anh ta hay cô ta một phần ký ức của bản thân mình. Ta đưa một phần của chính ta cho nhân vật thứ nhất, một phần khác cho nhân vật thứ hai. Cũng có thể hiểu là tôi không viết bất cứ cuốn tự truyện nào, tự truyện của tôi là tất cả những cuốn tiểu thuyết tôi đã viết, gộp lại với nhau. Đó mới là điều cốt yếu.

NPV
Hẳn là có những hình ảnh cụ thể mà ông đã đưa vào tác phẩm của mình? Tôi đang nghĩ đến cảnh Belbo chơi kèm trumpet ở nghĩa trang, trong cuốn Con lắc của Foucault [Foucault’s Pendulum].
ECO
Khung cảnh ấy hoàn toàn là trải nghiệm của cá nhân tôi. Tôi không phải Belbo, nhưng điều đó đã xảy ra với tôi và nó quan trọng đến nỗi ngay bây giờ đây tôi sẽ tiết lộ một điều mà tôi chưa bao giờ nói ra trước đây. Ba tháng trước, tôi đã mua một cái trumpet xịn có giá đến hai nghìn dollars. Để chơi được trumpet, cô biết đấy, người ta phải rèn luyện khẩu độ (của đôi môi) một thời gian dài. Hồi mười hai, mười ba tuổi, tôi chơi khá cừ, nhưng giờ rồi tôi đánh mất còn kỹ năng đó và giờ thì chơi rất tồi. Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn chơi trumpet hàng ngày, vì tôi muốn trở lại tuổi thơ. Nhờ vào cây trumpet mà tôi biết được mình là ai khi còn trẻ. Tôi không có cảm giác gì với đàn violon, nhưng mỗi khi tôi nhìn vào cây trumpet, tôi luôn cảm thấy một dòng nhiệt huyết tuôn chảy bên trong mình.

NPV
Ông có tìm lại được cảm giác khi chơi những giai điệu ngày đó không?

ECO
Càng chơi, những hồi tưởng về giai điệu lại càng trở nên sống động. Đương nhiên có những đoạn nhạc quá cao, quá khó. Tôi cố gắng tập đi tập lại vài lần, nhưng tôi biết rằng khẩu độ của mình không đúng.

NPV
Điều tương tự có xảy ra với ký ức của ông không?

ECO
Điều lạ lùng ở đây là: càng già tôi càng nhớ ra được nhiều chuyện. Tôi lấy một ví dụ nhé: thổ ngữ ở nơi tôi lớn lên là Allessandrion, một tập hợp hỗn tạp từ nhiều ngôn ngữ lân cận [lược dịch: a bastard Piedmontese with elements of Lombard, Emilian, and Genovese]. Tôi không nói thứ tiếng này, vì tôi lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản, và cha tôi cho rằng chị em chúng tôi chỉ nên nói tiếng Ý mà thôi. Tuy vậy, bố mẹ tôi vẫn hay nói tiếng địa phương với nhau. Thành ra tôi nghe hiểu rất tốt nhưng lại không thể nói được. Nửa thế kỷ sau, một cách đầy bất ngờ, từ một ngóc ngách nào đó của cơ thể tôi, hay từ trong vô thức, ngôn ngữ ấy dần hình thành, rồi khi gặp lại một người bạn cũ từ Alessandria, tôi lại có thể nói được lưu loát! Vậy nên dần dà tôi nhận ra rằng thời gian trôi đi, tôi không chỉ tìm lại được những gì tôi đã quên, mà còn có thêm được những điều mà tôi tin là mình chưa bao giờ học trước đây.

NPV
Lý do gì khiến ông quyết định nghiên cứu Mỹ học thời Trung cổ [medieval aesthetics]?

ECO
Tôi được giáo dục theo lối Công giáo và trong suốt những năm đại học, tôi đã điều hành một trong những hiệp hội của sinh viên Công giáo toàn quốc. Vậy nên tôi bị thu hút bởi tư duy của các nhà hiền triết thời Trung Cổ, cũng như Thần học về Thiên Chúa [Christian theology]. Tôi bắt tay làm luận án về mỹ học theo quan điểm của thánh Thomas Aquinas, nhưng ngay trước khi hoàn thành, đức tin của tôi đã bị tổn hại. Đó là một bê bố chính trí phức tạp. Tôi ủng hộ đường lối tiến bộ của hiệp hội sinh viên, nghĩa là tôi quan tâm đến các vấn đề xã hội, quyền bình đẳng. Nhưng phe cánh hữu bảo thủ được Giáo Hoàng Pius XII bảo hộ. Một ngày phe của tôi bị kết tội dị giáo và ăn theo chủ nghĩa cộng sản. Ngay cả tờ báo chính thức của Vatican cũng công kích chúng tôi. Sự kiến đó đã khiến tôi phải nhìn nhận lại đức tin của mình. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu thời Trung Cổ và triết học Trung Cổ với lòng kính trọng sâu sắc, đó là chưa kể đến Thánh Aquinas yêu dấu của tôi.

NPV
Ở phần tái bút trong Tên của Đóa Hồng, ông viết “Tôi nhìn thấy thời kỳ này ở mọi nơi, phủ lên mọi quan tâm của tôi đối với đời sống thường ngày, ngay cả khi bề ngoài của sự vật không có vẻ gì là Trung Cổ, thì chúng vẫn thuộc về thời kỳ ấy.”

ECO
Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã có vô số trải nghiệm về sự hiện diện trọn vẹn của thời Trung Cổ ở thời hiện tại. Ví dụ khi đang làm luận án, tôi có đến Paris hai lần, mỗi lần kéo dài nhiều tháng để tra cứu tài liệu trong Bibliothèque Nationale (Thư viện Quốc gia Pháp). Tôi đã quyết định sẽ sống trọn vẹn hai tháng trong thời kỳ Trung Cổ. Nếu như ta rút gọn tấm bản đồ Paris, chỉ chọn ra vài con phố, đều đó là hoàn toàn có thể. Và ta sẽ bắt đầu suy nghĩ và cảm nhận y như một người đàn ông sống vào thời đó. Một ví dụ khác: vợ tôi – cũng là một người làm vườn tuyệt hảo và biết tên của mọi thứ hoa cỏ trên đời, trước khi tôi viết cuốn Tên của Đóa Hồng, đã thường chê trách tôi không chịu nhìn ngắm thiên nhiên. Có một lần, chúng tôi về vùng quê, khi đốt lửa trại, bà ấy nói: Hãy nhìn những đốm tro hồng bay lên ngọn cây kìa. Đương nhiên là tôi không hề đếm xỉa đến. Sau này, khi đọc chương cuối trong Tên của Đóa Hồng, đoạn mà tôi miêu tả đốm lửa y như vậy, bà ấy nói: Nhưng mà ông đâu có nhìn vào những đốm tro ấy đâu! Tôi bèn nói: Tôi không nhìn, nhưng mà tôi biết một thầy tu thời Trung Cổ sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn vào đó.
NPV
Ông có nghĩ là mình thực sự vui thích cuộc sống thời Trung Cổ không?

ECO
Ồ nếu mà tôi thực sự cảm thấy như thế, ở tuổi này, thì chắc là tôi đã chết rồi. Tôi ngờ rằng nếu tôi thực sự sống trong thời Trung Cổ, cảm giác của tôi về thời kỳ đó hẳn sẽ phải khác lắm. Thay vào đó, tôi chỉ tưởng tượng ra thôi.

NPV
Với một người không có hiểu biết trong lĩnh vực này (layman có thể hiểu theo nghĩa người bình thường hay người không thuộc giới tăng lữ), thời kỳ Trung Cổ mang một sắc thái kỳ bí và hoàn toàn xa lạ. Vậy điều gì đã lôi cuốn ông?

ECO
Cũng khó nói lắm. Tại sao chúng ta yêu? Nếu buộc phải giải thích, tôi sẽ nói nguyên nhân là ở chỗ thời kỳ đó hoàn toàn đối lập với những gì người ta thường nghĩ về nó. Đối với tôi, đó không phải “đêm trường Trung Cổ” [the Dark Ages]. Đó là một giai đoạn rực rỡ, là mảnh đất màu mỡ đã nuôi dưỡng thời kỳ Phục Hưng sau này. Một thời kỳ đầy những giao đoạn hỗn độn và thất thường đã đánh dấu sự ra đời của đô thị hiện đại, của hệ thống ngân hàng, của trường Đại học, của ý niệm của chúng ta về một Châu Âu, mà gán liền với đó là các đặc trưng ngôn ngữ, quốc gia và văn hóa.
NPV
Ông vừa nói rằng trong các tác phẩm của mình, ông không bao giờ thiết lập những liên hệ nhận thức song song giữa thời Trung Cổ và thời Hiện đại [you never make conscious parallels between the Middle Ages and modern times], nhưng dường như chính điều đó lại góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thời kỳ đó đối với ông.

ECO
Đúng vậy, nhưng ta cần phải rất cẩn thận với những mối liên hệ tương đồng. Trước đây tôi từng viết một tiểu luận về những điều tồn tại ở thời Trung Cổ vẫn đang hiện hữu trong thời đại chúng ta. Nhưng nếu như cô đưa tôi năm mươi dollars, tôi cũng sẽ viết cho cô một tiểu luận về những gì trùng lặp giữa thời đại chúng ta với thời kỳ của người Neanderthals[1]. Rất dễ để tìm ra những điểm trùng lặp. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ rằng quan tâm đến lịch sử chính là tìm ra những liên hệ thực sự sâu sắc với hiện tại này. Thú thực là tôi quá lỗi thời mất rồi, nhưng tôi vẫn tin , như Cicero đã tin, rằng historia magistra vitae, chúng ta hiểu được cuộc sống này là nhờ vào lịch sử.
NPV
Tại sao một học giả trẻ như ông khi đó lại đột ngột chuyển hướng sang nghiên cứu ngôn ngữ?

ECO
Từ khi bắt đầu có nhận thức, tôi đã luôn cảm thấy hứng thú với việc giao tiếp. Từ khía cạnh Mỹ học,  câu hỏi sẽ là: Thế nào là một tác phẩm nghệ thuật, và một tác phẩm nghệ thuật giao tiếp với chúng ta như thế nào? Tôi đã thực sự bị lối cuốn bởi câu hỏi “thế nào”. Thêm nữa, chúng ta được coi là con người bởi lẽ chúng ta có khả năng tạo ra ngôn ngữ. Thành ra, ngay sau khi hoàn thành luận án, tôi đã bắt đầu làm việc cho đài truyền hình của chính phủ Ý. Đó là vào năm 1954, chỉ một vài tháng sau khi những chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng, cũng là mốc đánh dấu sự ra đời của thời đại truyền thông đại chúng bằng thị giác [the era of mass visual communication] ở Ý. Tôi bèn tự hỏi mình có phải là một dạng đa-nhân cách quái dị nào đó. Một mặt, tôi hào hứng với những chức năng tiên tiến nhất của ngôn ngữ trong các thử nghiệm văn chương và nghệ thuật kiểu mới. Mặt khác, tôi vui sướng gặm nhấm ti-vi, truyện tranh và các tiểu thuyết trinh thám. Một cách tự nhiên, tôi tự hỏi bản thân mình: Làm sao những mối quan tâm của tôi có thể khác nhau đến như thế?
Tôi chuyển sang nghiên cứu ký hiệu học [semiotics] vì tôi muốn hiểu được văn hóa ở những mức độ khác nhau. Và tôi đã đi đủ xa để hiểu rằng bất cứ thứ gì được tạo ra bởi truyền thông đại chúng đều có thể trở thành một đối tượng để phân tích dưới góc nhìn văn hóa[2]

NPV
Ông từng nói rằng ký hiệu học là lý thuyết nghiên cứu sự dối trá.

ECO
Thay vì “dối trá”, đáng lẽ tôi nên nói là “kể điều phản-sự thật” Con người có thể kể truyện cổ tích, tưởng tượng ra những thế giới mới, hay mắc sai lầm - và chúng ta cũng có thể nói dối. Ngôn ngữ cho phép tất cả những khả năng đó.
Nói dối là một khả năng đặc biệt chỉ con người mới có được. Một con chó lần theo một dấu vết, theo dấu một mùi hương. Cả con chó lẫn mùi hương đều không “nói dối”, có thể nói như vậy. Nhưng tôi có thể nói dối cô và chỉ cho cô đi sai đường, vậy mà cô lại tin tôi và đi theo lối sai ấy. Lý do cho khả năng này là bởi vì chúng ta nhận thức dựa vào các dấu hiệu.

NPV
Một vài người phản đối việc coi ký hiệu học là một lĩnh vực nghiên cứu cho rằng rốt cuộc, những ai nghiên cứu chuyên ngành này sẽ khẳng định mọi thực tế đều không có thật.

ECO
Đó là quan điểm của những người ủng hộ phương páp giải kiến tạo [deconstructionists[3]]. Họ không chỉ cho rằng tất cả mọi thứ đều là văn bản (text), ngay cả cái bàn này đây, và mọi văn bản đều có thể diễn giải đến vô tận – nhưng đây cũng là một ý tưởng bắt nguồn từ Nietzche, người nói rằng không hề có sự thật mà tất cả chỉ là những lời diễn giải. Ngược lại, tôi ủng hộ quan điểm của Charles Sanders Pierce, người chắc chắn là triết gia Mỹ vĩ đại nhất, đồng thời là cha để của ký hiệu học và diễn giải luận [the theory of interpretation]. Ông ấy cho rằng, thông qua các ký hiệu mà ta diễn giải được sự việc. Và nếu như không có sự việc và chỉ có những diễn giải, thì liệu có còn gì để mà diễn giải? Đó chính là điều tôi muốn bàn luận trong The Limits of Interpretation (tạm dịch: Giới hạn của Diễn giải).

NPV
Trong Foucault’s Pendulum, ông viết “Một biểu tượng càng mơ hồ và khó khó nắm bắt bao nhiêu thì nó càng có giàu ý nghĩa và sức mạnh bấy nhiêu”.

ECO
Một bí mật thực sự lôi cuốn khi nó không ẩn giấu bất cứ điều gì cả. Như là Masonic secret[4]mà người ta thường nói đến. Cái gì gọi là “Masonic secret”? Không ai có thể nói chắc được. Nhưng điều chắc chắn là, chừng nào còn trống rỗng, nó càng rộng mở với mọi loại ý niệm, và vì vậy mà nó có được sức mạnh nhất định.
NPV
Ông muốn nói rằng công việc nghiên cứu ký hiệu học của ông là hoàn toàn tách biệt với công việc của một tiểu thuyết gia?

ECO
Nghe có vẻ khó tin, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến kí hiệu học trong khi viết tiểu thuyết. Phần việc đó tôi để cho những người khác tiếp nối. Và tôi luôn luôn ngạc nhiên với những kết quả mà họ đạt được.
NPV
Ông có bị ám ảnh bởi truyền hình không?

ECO
Tôi ngờ rằng không có học giả nghiêm túc nào lại không thích xem truyền hình. Tôi chỉ đơn giản là một trong những người đã thú nhận. Và tôi đã cố sử dụng nó như một nguyên liệu cho công việc của mình. Nhưng tôi không phải là một kẻ tham lam cố gắng vơ vét mọi thứ trên đời. Không phải thể loại truyền hình nào tôi cũng thích. Tôi thích các series phim tình cảm, tâm lý và ghét các loại show truyền hình nhảm nhí.

NPV
Có chương trình nào mà ông đặc biệt ưa thích không?

ECO
 Các series phim cảnh sát. Ví dụ như Starsky and Hutch.

NPV
Serie đó giờ không chiếu nữa rồi. Nó có từ những năm bảy mươi.

ECO
Tôi biết, nhưng tôi nghe nói là DVD trọn bộ vừa mới được phát hành, nên tôi nghĩ sẽ đi mua đĩa về xem thôi. Ngoài ra tôi cũng thích CSI, Miami Vice, ER, và hơn hết Columbo.

NPV
Ông đã đọc Mật mã Da Vinci chưa?

ECO
Rồi, tôi cũng thú tội đó luôn.

NPV
Cuốn tiểu thuyết đó có vẻ như là một ngoại truyện khá kỳ cục của Foucault’s Pendulum.

ECO
Tác giả của cuốn đó, Dan Brown ấy, là một nhân vật trong Foucault’s Pendulum! Tôi sáng tạo ra anh ta. Anh ta có cùng niềm say mê với các nhân vật của tôi – thế giới đầy âm mưu với Hội Chữ thập Rosy, Hội Tam Điểm và các tu sĩ dòng Tên (Jesuits). Vai trò của các hiệp sĩ dòng Đền (Knights Templar). Bí mật của thuật luyện kim. Hay niềm tin rằng tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau. Tôi ngờ rằng Dan Brown thậm chí còn không tồn tại.

NPV
Dường như ý tưởng đưa một tiền đề hư cấu có vai trò rất rõ nét trong nhiều tiểu thuyết của ông. Như vậy, bằng cách này hay cách khác, hư cấu dựng lên sự thật.

ECO
Đúng vậy, chuyện bịa có thể thay đổi thực tế. Đó chính là điều tôi muốn nói trong tiểu thuyết thứ tư: Baudolino. Baudolino là một kẻ hay tán phét, sống trong triều đình của Frederick Barbarossa, Hoàng đế của La Mã Thần Thánh. Cậu ta bịa ra vô số chuyện trên đời: từ truyền thuyết về Chén Thánh cho đến chuyện Barbarossa được thừa nhận là Hoàng đế ở xứ Bologna, từ đó mà gây ra biết bao nhiêu tai họa chết người. Những câu chuyện sai lệch có thể dẫn đến những sự kiện lịch sử thực sự. Ví dụ như lá thư của Prester John: cái đó hoàn toàn là giả, và trong tiểu thuyết của tôi chính Baudolino, chứ không phải ai khác, là người đã bịa ra. Thế nhưng chính nó lại thúc đẩy những cuộc viễn chinh đến châu Á thời bấy giờ, đơn giản là vì nó vẽ ra một vương quốc Thiên Chúa giáo đang phồn vinh ở đâu đó trong lòng phương Đông bí hiểm. Hay là Christopher Columbus. Ý niệm của ông ấy về thế giới hoàn toàn sai lầm.  Như tất cả mọi người thời Trung Cổ - bao gồm cả những kẻ đối địch với mình, ông tin rằng trái đất có hình cầu. Nhưng ông cho rằng nó nhỏ hơn so với tưởng tượng. Vậy là nhờ tư tưởng sai lầm đó dẫn lối, ông đã tìm ra ra châu Mỹ. Một ví dụ nổi tiếng khác là Protocols of the Elders of Zion[5]. Cái lý thuyết đó là lừa đảo, nhưng nó đã trở thành điểm tựa cho hệ tư tưởng của Đức Quốc Xã, và đã mở đường cho cuộc Diệt Chủng, bởi vì Hitler đã lấy đó làm cái cứ để tận diệt người Do Thái. Có thể ông ta biết đó là nó là giả, nhưng nó lại phù hợp với hình ảnh của người Do Thái mà ông ta muốn dựng nên, vậy là ông ta quyết tâm coi đó là sự thật.

NPV
Ở đoạn kết, Baudolino tuyên bố rằng: The kingdom of the Priest (tạm dịch: Nước thầy Tế lễ) là có thật vì tôi và các bạn đồng hành đã dành hai phần ba cuộc đời để tìm cho được nơi ấy.

ECO
Baudolino giả mạo tài liệu, dựng nên các xã hội không tưởng, dàn dựng những viễn tưởng vô căn cứ. Câu chuyện bịa đặt hóa thành thật khi những người bạn của anh ta hồ hởi lao vào chuyến phiêu lưu thực sự đến phương Đông huyền bí. Nhưng đó mới chỉ là một phương diện của kỹ thuật kể chuyện. Ở góc nhìn khác, ta có thể sử dụng những sự có thật, nhưng trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết, lại khó tin đến mức biến thành chuyện hoàn toàn hư cấu. Trong các tiểu thuyết của mình, tôi đã đưa vào vô số những câu chuyện và tình tiết có thật, bởi vì tôi thấy chúng quá lãng mạn, đôi khi đầy chất tiểu thuyết, hơn hẳn bất cứ thứ chuyện hư cấu nào tôi từng được đọc. Ví dụ như trong The Island of the Day Before, có đoạn Father Caspar tạo ra một thứ thiết bị kỳ dị để quan sát các vệ tinh của sao Mộc, nhưng cuối cùng đó lại là một trò hề không hơn không kém. Thiết bị từng này được miêu tả trong những lá thư của Galileo. Tôi chỉ tự hỏi điều gì có thể xảy ra nếu như nó đã từng tồn tại? Thế nhưng độc giả của tôi lại cho rằng tất cả chỉ là bịa chuyện gây cười mà thôi.

NPV
Điều gì đã thôi thúc ông viết tiểu thuyết dựa trên những sự kiện lịch sử?

ECO
Đối với tôi, tiểu thuyết lịch sử không hẳn là một phiên bản hưu cấu của những sự kiện có thật, mà là một câu chuyện có khả năng giúp chúng ta hiểu hơn về sự thật lịch sử. Tôi cũng thích đưa vào tiểu thuyết lịch sử những yếu tố của một bildungsroman. Trong tất cả các tiểu thuyết mà tôi đã viết, luôn có một nhân vật trẻ tuổi trưởng thành dần qua các bài học và những trải nghiệm không mấy dễ dàng. 

NPV
Tại sao ông lại bắt đầu viết tiểu thuyết ở tuổi bốn mươi tám?

ECO
Đó không hẳn là một quyết định bất thường như mọi người vẫn nghĩ, vì ngay cả trong luận án tiến sĩ hay các luận thuyết của mình, tôi vẫn luôn nuôi dưỡng những mạch kể chuyện. Sau một thời gian dài ngẫm nghĩ, tôi cho rằng bản chất bên trong của hầu hết những cuốn sách triết học vẫn là kể câu chuyện về cách mỗi lập luận được hình thành như thế nào, cũng giống như cách các nhà khoa học giải thích cho chúng ta con đường nào đã dẫn họ đến với những phát kiến quan trọng. Tôi nhận thấy rằng mình vẫn luôn kể chuyện, chỉ là giờ đây có một sự thay đổi nhỏ về phong cách mà thôi.

NPV
Nhưng điều gì đã làm cho ông cảm thấy là mình phải viết một cuốn tiểu thuyết?

ECO
Một ngày nọ vào năm 1978, một người bạn nói với tôi rằng cô ấy muốn xuất bản một chuỗi các tiểu thuyết trinh thám ngắn được viết bởi những tác giả nghiệp dư. Tôi bèn trả lời rằng không đời nào tôi lại viết được truyện tinh thám, nhưng nếu như tôi có thể, đó sẽ phải là một cuốn sách dày năm trăm trang với các nhân vật là thầy tu thời Trung Cổ. Ngày hôm đó, khi trở về nhà, tôi bắt đầu lên một danh sách những nhân vật hư cấu trong giới tăng lữ thời kỳ đó. Rồi bỗng nhiên hình ảnh của một thầy tu bị đầu độc hiện lên trong tâm trí tôi. Đó là khởi đầu của tất cả mọi thứ, chỉ một hình ảnh đó thôi. Nó đã trở thành một sự thôi thúc mãnh liệt.

NPV
Rất nhiều tiểu thuyết của ông đựa xây dựng dựa trên những ý niệm hàn lâm. Dường như đối với ông, tạo nên cầu nối giữa nghiên cứu lý thuyết và viết tiểu thuyết là một nhu cầu tự nhiên? Ông đã từng nói rằng: “những gì không thể thu về lý thuyết được, thì ta phải giải thích bằng truyện kể.”

ECO
Đó là lời diễu nhại ám chỉ một câu nói của Wittgenstein. Sự thật là, tôi đã viết vô số tiểu luận về ký hiệu học, nhưng tôi cho rằng những quan điểm của mình lại được thể hiện rõ ràng trong Foucault’s Pendulum hơn là trong những tiểu luận đó. Ý tưởng nảy ra trong đầu bạn có thể không hề độc đáo – Aristotle luôn nghĩ ra điều đó trước bạn mất rồi. Nhưng bằng ấy trải ý tưởng ấy vào trong một tiểu thuyết, bạn có thể khiến nó trở nên độc đáo. Đàn ông yêu đàn bà. Đó không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng nếu bằng cách nào đó, bạn có thể viết một tiểu thuyết kinh dị về chủ đề đó, và rồi nhờ một sức mạnh đánh lạc hướng kỳ diệu của văn học, câu chuyện trở nên cực kỳ độc đáo. Tôi chỉ đơn thuần tin rằng, vào lúc cuối ngày, một câu chuyện sẽ luôn phong phú hơn: đó là sẽ là một ý tưởng đã được chuyển hóa thành một sự kiện, thốt ra từ miệng một nhân vật, trong lớp vỏ óng ánh của ngôn ngữ đã được chế tác tinh xảo. Bởi vậy, theo một lẽ tự nhiên, khi một ý tưởng biến thành một thực thể sống, nó trở nên cái gì đó hoàn toàn khác, và dường như giàu ý nghĩa hơn gấp bội.
Mặt khác, mâu thuẫn luôn có thể là trọng tâm của một tiểu thuyết. Giết các bà cô già có thể rất thú vị, dù ý tưởng đó sẽ khiến bạn bị đánh trượt trong một bài kiểm tra đạo đức. Nhưng trong một tác phẩm như Tội lỗi và Trừng phạt, một tuyệt tác văn xuôi trong đó nhân vật chính không thể khẳng định giết mấy bà cô già là tốt hay xấu, và chính khúc mắc đó của anh ta – cái mâu thuẫn mà chúng ta đã nói đến – lại trở thành một vấn đề đầy thách thức và nên thơ.

NPV
Ông bắt đầu tìm kiếm tài liệu cho tiểu thuyết như thế nào?

ECO
Với Tên của Đóa Hồng, bởi vì tôi vốn ham thích thời Trung Cổ, tôi có trong tay cả trăm tập tài liệu và chỉ mất hai năm để hoàn thành cuôn sách. Còn thời gian để tìm tòi và viết Foucault’s Pendulum là tám năm! Và vì tôi không nói cho ai biết mình đang làm gì, nên giờ nghĩ lại tôi mới nhận ra rằng mình đã khép mình trong thế giới riêng trong gần một thập kỉ. Tôi bước ra ngoài phố, nhìn thấy một chiếc ô tô ở đây, cái cây ở kia và nghĩ, Ồ, chúng có thể liên quan đến câu chuyện mình đang viết đấy. Vậy là câu chuyện của tôi được bồi đắp từng ngày, và tất cả mọi thứ tôi làm, mỗi mảnh nhỏ của cuộc đời xung quanh, mỗi cuộc hội thoại, đều đem đến cho tôi một ý tưởng gì đó. Rồi tôi đến thăm những địa danh có thật mà tôi quan tâm – những nơi ở Pháp và Bồ Đào Nha từng có những tín đồ dòng Đền sinh sống. Việc đó cũng giống như trong một video game, trong đó tôi sắm vai một chiến binh dấn thân vào vương quốc ma thuật. Nhưng thay vì bị kẹt cứng vào chuyến phiêu lưu như trong một video game, thì với việc viết lách, có những lúc bạn bị khủng hoảng đến mức phải bứt mình khỏi mạch truyện, để lại cầm bút lên tiếp tục cuộc hành trình vào ngày hôm sau.
NPV
Ông có sắp xếp câu chuyện theo trình tự không?

ECO
Ôi, không hề. Một ý tưởng nảy ra tức thì giữa ý tưởng khác. Một quyển sách ngẫu nhiên khiến tôi lại muốn đọc một quyển khác nữa. Và điều đó xảy ra ngay cả khi đang đọc một tài liệu hoàn toàn vô dụng, tôi cũng đột nhiên có được một ý tưởng  phù hợp để đưa câu chuyện tiến triển. Cũng như việc chèn thêm một chiếc hộp nhỏ vào trong một tập hợp lớn hơn những chiếc hộp đã được xếp lại với nhau.
NPV
Ông từng nói rằng khi viết một cuốn tiểu thuyết, đầu tiên ông thường tạo ra một thế giới rồi để cho “thế giới đó tự vận hành”. Ý ông là phong cách của một tiểu thuyết được định hình bằng chính đối tượng mà nó hướng tới?
ECO
Đúng vậy, đối với tôi điều quan trọng nhất là dựng nên một thế giới: một tu viện với những thầy tu bị đầu độc, một người đàn ông trẻ chơi trumpet giữa một nghĩa trang, một kẻ khoác lác mắc kẹt trong cuộc vây thành Constantinope. Tìm tòi nghĩa là đặt ra tất cả các giới hạn cho những thế giới ấy: Cầu thang xoắn có bao nhiêu bậc? Danh sách đồ giặt là có bao nhiêu món? Một nhiệm vụ cần đến bao nhiêu chiến binh? Thế giới sẽ được bao trọn bởi những giới hạn đó. Từ góc độ văn chương, tôi cảm thấy rằng chúng ta thường mắc phải sai lầm khi cho rằng phong cách chỉ gói gọn trong cú pháp và từ vựng. Vì ngoài những yếu tố đó ra, còn có cách thức kể chuyện, mà qua đó, những miếng ghép được đặt cạnh nhau và tạo nên một tình huống. Ví dụ như flashback (hồi ức). Flashback là một yếu tố tạo nên phong cách, nhưng lại không hề liên quan đến ngôn từ. Vậy nên phong cách phức tạp hơn nhiều so với việc phóng chữ trên giấy. Đối với tôi, phong cách có vai trò giống như là công việc dựng phim trong điện ảnh vậy.
NPV
Ông đã làm thế nào để giọng văn trở nên mượt mà?

ECO
Một trang viết ra, tôi thường chữa đi chữa lại cả chục lần. Đôi khi tôi thích đọc thành tiếng một đoạn văn nào đó. Tôi cực kỳ nhạy cảm với từng sắc thái trong tác phẩm của mình.

NPV
Vậy cũng giống như Flaubert, viết ra được một câu văn hay là một điều vô cùng khổ sở?

ECO
Không, tôi không cảm thấy khổ sở gì đâu. Tôi phải viết lại cùng một câu văn vài ba lần, nhưng bây giờ, nhờ vào chiếc máy tính, quá trình ấy đã có thay đổi. Tôi viết tay bản thảo Tên của Đóa Hồng rối đưa thư ký đánh máy lại trên máy chữ. Khi bạn viết đi viết lại một câu đến mười lần, thật khó để mà chép lại nó nữa. Với máy tính như hiện nay, rất dễ dàng để rà qua rà lại môt trang mười đến hai mươi lượt một ngày, sửa chữa và viết lại. Tôi tin rằng, về bản chất, chúng ta không bao giờ hài lòng với việc mình đã làm. Nhưng giờ đây thì mọi chuyện thật dễ dàng, có lẽ là quá dễ, để chỉnh sửa mọi thứ. Có lẽ vì vậy mà giờ đây chúng ta lại có những yêu cầu khắc khe hơn.
NPV
Bildungsroman thường được xây dựng dựa trên những giai đoạn trưởng thành của tình cảm và tính dục. Nhưng trong các tiểu thuyết của mình, ông chỉ miêu tả có hai cảnh có yếu tố tình dục – một trong Tên của Đóa Hồng và một trong Baudolino. Có lý do gì cho điều đó không?
ECO
Tôi nghĩ đơn giản là tôi thích làm tình hơn là viết về chuyện đó.

NPV
Vậy tại sao Adso lại trích dẫn Song of Songs (Sách Diễm ca) khi trong khi anh ta đang làm tình với cô gái nông dân trong Tên của Đóa Hồng?

ECO
Đó là một thủ pháp gây cười, vì tôi không thực sự quan tâm đến cảnh làm tình, mà điều tôi muốn miêu tả ở đây là một thầy tu trẻ sẽ có trải nghiệm tình dục như thế nào khi nó được nhìn nhận qua “phông” văn hóa của anh ta. Vậy nên tôi chọn ra ít nhất năm mươi đoạn trích từ các sách mặc khải, miêu tả trạng thái hân hoan của con người khi nhận ra sự hiện diện của thánh thần, cùng với đoạn trích từ Songs of Songs. Trong suốt hai trang sách miêu tả cảnh làm tình đó, chỉ có vài từ là của tôi. Adso chỉ có thể hiểu tình dục qua lăng kính của văn hóa mà anh ta đã hấp thụ từ trước. Đó là một ví dụ cho văn phong, như tôi đã định nghĩa (ở trên).

NPV
Ông thường viết vào thời điểm nào trong ngày?

ECO
Không có một nguyên tắc cố định nào cả. Đối với tôi, lịch trình là điều không thể. Đôi khi tôi bắt đầu viết lúc bảy giờ sáng và kết thúc lúc ba giờ đêm, chỉ dừng lại để ăn một ổ bánh mỳ. Đôi khi tôi lại không hề cảm thấy mình cần phải viết.

NPV
Khi đã viết, ông thường viết được bao nhiêu mỗi ngày? Hay cũng không có quy định nào?

ECO
Không có quy định nào hết. Nghe này, viết lách không nhất thiết phải có nghĩa là rải chữ lên một tập giấy. Người ta có thể viết một chương sách ngay trong khi đang đi dạo bộ hoặc đang ăn.
NPV
Vậy mỗi ngày đối với ông đều khác biệt?

ECO
Khi tôi ở ngôi nhà ở vùng quê, trên đỉnh đồi Montefeltro, thì tôi cũng có một vài thói quen. Bật máy tính, liếc qua chỗ emails, đọc vài thứ và ngồi viết cho đến chiều. Sau đó tôi sẽ đi vào làng, uống một ly ở quần bar và đọc tin tức. Rồi tôi trở về nhà, xem ti-vi hoặc đĩa DVD cho đến mười một giờ tối, rồi tôi làm việc thêm chút nữa đến hai giờ sáng. Ở đó tôi có thông lệ như thế vì tôi không bị làm phiền. Khi ở Milan hoặc ở trường đại học, tôi không thể làm chủ thời gian của mình – luôn có ai đó quyết định những gì tôi cần phải làm lúc này hay lúc khác.

NPV
Khi ngồi xuống viết, ông có cảm thấy lo lắng gì không?

ECO
Tôi không có nỗi lo lắng nào hết.
NPV
Ông không cảm thấy lo lắng, vậy ông chỉ vô cùng phấn khích mà thôi?

ECO
Trước khi ngồi xuống viết, tôi thật lòng cảm thấy hạnh phúc.

NPV
Có bí quyết gì cho khả năng sáng tác dồi dào như thế? Ông đã viết một số lượng vô cùng lớn các công trình nghiên cứu, và năm cuốn tiểu thuyết của ông cũng không hề ngắng chút nào.

ECO
Tôi luôn nói rằng tôi có khả năng tận dụng những kẽ hở. Có vô cùng nhiều những khoảng trống giữa các nguyên tử với các nguyên tử, giữa các electron với các electron, và nếu như ta có thể thu gọn vật chất trong vũ trụ bằng cách loại trừ những khoảng trống đó, cả vũ trụ có thể được nén vào trong một quả bóng. Cuộc đời của chúng ta tràn ngập những khoảng trống như thế. Buổi sáng hôm nay cô đã nhấn chuông nhưng rồi cô phải đợi thang máy, và phải mất một vài giây cô mới đến đứng trước cánh cửa. Trong vài giây đó, trong lúc đợi cô, tôi đang nghĩ về câu chuyện đang dang dở. Tôi có thể làm việc trong nhà vệ sinh, hay trên tàu. Khi bơi tôi nghĩ ra rất nhiều thứ, nhất là khi bơi ở biển. Trong bồn tắm thì ít hơn, nhưng vẫn có.

NPV
Có khi nào ông không làm việc không?

ECO
Không, điều đó không xảy ra. À, mà cũng có đấy, là hai ngày hồi tôi phải làm phẫu thuật
.
NPV
Thú vui lớn nhất của ông hiện tại là gì?

ECO
Đọc tiểu thuyết ban đêm. Đôi khi tôi tự hỏi lẽ nào, như một tín đồ Thiên Chúa thiếu lòng trung, lại có một giọng nói du dương thì thầm vào tai tôi rằng tiểu thuyết  là quá dễ dãi để đọc vào ban ngày. Bởi lẽ đó, ban ngày thường dành cho tiểu luận và những việc cần nhiều công sức hơn.

NPV
Thế còn các khoái lạc thì sao?

ECO
Tôi có đi xưng tội đâu cơ chứ! Nhưng OK thôi, là rượu Scotch. Thuốc lá cũng là một lạc thú trước khi tôi từ bỏ cách đây ba năm. Tôi có thể hút sáu điếu một ngày. Nhưng tôi là người hút tẩu kiểu cũ nên tôi có thói quen xua khói ra xa khi đang viết. Vậy nên tôi cũng không hít nhiều khói vào lắm đâu.
NPV
Ông từng bị chỉ trích vì tính hàm lâm được phô diễn trong các tác phẩm của mình. Một nhà phê bình còn đi xa hơn khi nói rằng mục đích của của tác phẩm là khiến cho một người đọc phổ thông cảm thấy bản thân đáng thương hại vì sự ngu dốt, thái độ đó sau này sẽ chuyển thành lòng ngưỡng mộ ngây thơ đối với màn trình diễn của ông.

ECO
Tôi có phải kiểu ác dâm hay không? Tôi không biết. Hay là một kẻ phô dâm (exhibitionist). Có thể. Nhưng tôi đang đùa thôi, đương nhiên là không rồi! Tôi không làm việc nhiều đến thế trong cả đời mình chỉ để khoe khoang kiến thức trước độc giả. Trên thực tế, tri thức đóng vai trò trụ cột trong cấu trúc phức tạp của các tiểu thuyết mà tôi đã viết. Sau đó, chính độc giả mới là người quyết định họ có thể tìm thấy điều gì.

NPV
Ông có nghĩ rằng thành công có tính đại chúng với tư cách là một tiểu thuyết gia đã thay đổi suy nghĩ của ông về vai trò của người đọc?

ECO
Sau một thời gian quá dài làm công việc nghiên cứu, bắt tay vào viết tiểu thuyết cũng giống như một nhà phê bình sân khấu bỗng dưng bước ra dưới ánh đèn và bị tất cả những đồng nghiệp cũ – giới phê bình – nhìn chòng chọc. Lúc mới đầu, tôi đã khá bối rối.

NPV
Nhưng việc viết tiểu thuyết có thay đổi suy nghĩ của ông về sự ảnh hưởng của mình đối với độc giả, trong vai trò là một tác giả?

ECO
Tôi luôn cho rằng một cuốn sách hay thì thông minh hơn người viết ra nó. Cuốn sách có thể nói những điều nằm ngoài ý định của người viết.

NPV
Ông có nghĩ rằng địa vị của một tiểu thuyết gia lẫy lừng đã khiến cho danh tiếng của ông, như một nhà tư tưởng nghiêm túc ở tầm thế giới, bị suy giảm?

ECO
Tkhi xuất bản tiểu thuyết, tôi đã nhận được ba mươi lăm tấm bằng danh dự từ khắp nơi trên thế giới. Với sự thật này, tôi kết luận là câu trả lời cho câu hỏi của cô sẽ là Không. Trong môi trường đại học, các giáo sư cảm thấy hứng thú với sự giao động giữa truyện kể và lý thuyết. Họ thường tìm thấy những mối liên hệ giữa hai khía cạnh này hiện hữu trong công việc của tôi, đôi khi chính tôi còn không tin rằng chúng tồn tại. Nếu cô muốn, tôi sẽ cho cô xem cả một bức tường kín đặc những nghiên cứu khoa học về tôi.
Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục đưa ra những tiểu luận về các lý thuyết. Tôi tiếp tục sống như một giáo sư, người viết tiểu thuyết vào mỗi cuối tuần, thay vì sống như một nhà văn kiếm sống thêm bằng cách đi dạy ở trường đại học. Tôi tham dự các chuyên đề khoa học nhiều hơn là các “hội thảo viết lách”. Thực tế thì, ai đó có thể nói điều ngược lại: có lẽ công việc hàn lâm đã làm lu mờ danh tiếng nhà văn của tôi trên báo chí đại chúng.

NPV
Nhà thờ Công Giáo đã từng làm khó ông. Tờ tin của Vatican đánh giá Foucault’s Pendulum là “đầy rẫy sự báng bổ, lăng mạ, nhảm nhí, tục tĩu – tất cả được phô bày cùng với thói ngạo mạn và những lời lẽ xúc xiểm cay độc.” 

ECO
Điều lạ lùng là tôi mới được nhận bằng danh dự từ hai trường đại học Công giáo, Leuven và Loyola.

NPV
Ông có tin vào Chúa không?

ECO
Tại sao ta lại phải lòng một người rồi ngay ngày hôm sau tình yêu bỗng bỏ ta đi? Cảm xúc, than ôi, luôn biến mất mà không một lời giải thích, và thường không để lại một dấu vết nào.

NPV
Nếu ông không tin vào Chúa, tại sao ông lại dành nhiều thời gian viết về tôn giáo như vậy?

ECO
Bởi vì tôi tin vào tôn giáo. Con người là một động vật có tôn giáo, và đó là một đặc tính riêng của hành vi loài người mà ta không thể lờ đi hay loại bỏ được.

NPV
Cùng với nhà học giả và tiểu thuyết gia, có một nhân cách thứ ba nữa trong ông – một dịch giả. Tác phẩm của ông đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và ông cũng đồng thời là một dịch giả đã viết rất nhiều về những vấn đề của công việc chuyển ngữ. [You are a widely translated translator who has written at length on the conundrums of translation]

ECO
Tôi đã biên tập vô số các bản dịch, tự mình dịch hai công trình, và có tiểu thuyết dịch sang cả chục thứ tiếng. Và tôi nhận ra rằng mỗi bản dịch là một lần đàm phán. Nếu cô bán cái gì đó cho tôi và tôi mua nó, chúng ta đàm phán – cô sẽ mất cái gì đó, tôi cũng mất cái gì đó, nhưng rốt cuộc trong chúng ta cũng sẽ phải thỏa hiệp. Khi chuyển ngữ, văn phong không hơn gì từ ngữ, đều có thể được dịch tự động trên trang Altavista [Altavista, từng cung cấp công cụ dịch Babel Fish, giờ đã thuộc sở hữu của Yahoo!], nhưng vẫn cần giai điệu. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên tác phẩm The Betrothed của Manzoni, một tuyệt tác của văn học Ý thế kỷ mười chín. Manzoni có vốn tự vựng cực kỳ nghèo nàn, không hề sử dụng những phép ẩn dụ tân tiến, và lặp đi lặp lại một tính từ nhiều đến phát khiếp [used the adjective good a frightening amount of times], nhưng văn phong của ông ấy thật xuất sắc, trong sáng và giản dị. Để dịch được nó, cũng là quy chuẩn để đánh giá mọi bản dịch khác, ta phải tìm cách làm nổi bật được nội lực [anima] trong thế giới của ông ấy, chính là nhịp thở của tác phẩm: tính chính xác trong từng tiết tấu.

NPV
Ông tham gia vào việc chuyển ngữ các tác phẩm của mình như thế nào?

ECO
Tôi đọc mọi bản dịch của các ngôn ngữ mà tôi có thể đọc. Thường thì tôi luôn vui vẻ khi các dịch giả và tôi được làm việc cùng nhau, vì tôi đã may mắn có được những dịch giả đó đồng hành trong suốt cuộc đời. Đến nay, chúng tôi cùng cộng tác trong một sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi cũng có dịp làm việc với các dịch giả trong những ngôn ngữ mà tôi không biết, như là tiếng Nhật, tiếng Nga và tiếng Hungary, bởi vì họ rất thông minh nên họ có khả năng giải thích cho tôi hiểu vấn đề là gì khi chuyển ngữ sang ngôn ngữ của họ, và chúng tôi có thể thảo luận để giải quyết vấn đề ấy.
NPV
Có khi nào một dịch giả giỏi gợi mở ra những khả năng mà ông chưa từng nhận thấy trong văn bản gốc?
ECO
Có chứ, đều đó có thể xảy ra. Tôi xin nhắc lại, văn bản có thể thông minh hơn chính tác giả. Đôi khi văn bản có thể gợi mở những ý tưởng mà tác giả không hề biết tới. Người dịch, bằng cách đưa văn bản sang một ngôn ngữ khác, có thể phát hiện ra những ý tưởng mới và lật mở nó cho ta.
NPV
Ông có đọc tiểu thuyết của các tác giả cùng thời không?

ECO
Không nhiều lắm. Từ khi trở thành tiểu thuyết gia, tôi nhận thấy rằng mình có phần thiên lệch. Hoặc là tôi thấy một cuốn tiểu thuyết dở hơn cuốn của tôi và tôi không thích nó, hoặc là tôi ngờ là nó tốt hơn cuốn của tôi và cũng không thích nó nốt.
NPV
Ông nghĩ thế nào về tình trạng của văn học Ý ngày nay. Liệu ở Ý có những tác giả vĩ đại như đã từng có trên đất Mỹ?
ECO
Tôi không biết liệu có những tác giả vĩ đại không, nhưng hẳn là chúng ta đã nâng tầm những tác giả trung bình. Sức mạnh của văn học Mỹ, như cô thấy đấy, không chỉ đơn giản là có được Faulkner, Hemingway hay Bellow, mà còn cần phải có một binh đoàn hung hậu các tác giả tầm trung có khả năng tạo ra một nền văn học thương mại đủ sức nặng. Dòng văn học này cần đến một sự thành thạo nhất định, nhất là trên mảnh đất màu mỡ của tiều thuyết trinh thám – đối với tôi là một kiểu thang đo cho sản lượng của bất cứ nền văn học nào. Binh đoàn của các nhà văn bậc trung đó chứng tỏ rằng nước Mỹ có khả năng cung cấp đủ sản phẩm để làm thỏa mãn nhu cầu của độc giả Mỹ.  Đó là lý do vì sao họ dịch rất ít. Ở Ý, thể loại văn học đó đã biến mất một thời gian khá dài, nhưng giờ đây ít nhất đã có một nhóm nhà văn trẻ đang xuất bản loại sách như thế. Tôi không phải là một trí thức hợm hĩnh, tôi không nghĩ , mà tôi nhận ra rằng dòng văn học đó là một phần trong văn hóa đọc của một đất nước.
NPV
Nhưng vì sao chúng ta không nghe danh những nhà văn Ý? Vào thời điểm này, có lẽ ông là nhà văn Ý duy nhất được đọc trên toàn thế giới, hoặc nếu không, ít nhất cũng là trong một phạm vi rộng lớn.
ECO
Dịch thuật là một vấn đề. Ở Ý, hơn 20% sản phẩm trên thị trường là sách dịch. Ở Mỹ, tỉ lệ chỉ là 2%.
NPV
Nabokov từng nói “Tôi phân chia văn học ra làm hai loại: những cuốn sách tôi ước mình đã từng viết và những cuốn tôi đã viết rồi.”
ECO
Thôi được rồi, tôi sẽ xếp vào loại đầu tiên sách của Kurt Vonnegut, Don Delillo, Philip Roth và Paul Auster. Nhìn chung thì tôi thích văn học Mỹ đương đại hơn là văn học Pháp, dù nền tảng văn hóa của tôi ảnh hưởng chủ yếu từ Pháp cho những gần gũi về mặt địa lý. Tôi được sinh ra gần biên giới, và tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên tôi được học. Có lẽ tôi còn biết về văn học Pháp nhiều hơn là văn học Ý.
NPV
Và nếu như ông phải nêu ra các ảnh hưởng?

ECO
Thường thì tôi sẽ nói Joyce và Borges để khiến người phỏng vấn thôi hỏi thêm, dù điều đó không hoàn toàn đúng. Gần như tất cả đều có ảnh hưởng lên tôi. Joyce và Borges, hẳn nhiên rồi, nhưng cả Aristotle, thánh Thomas Aquinas, John Locke … bất cứ ai cô có thể nghĩ ra.

NPV
Thư viện của ông tại Milan chứa đựng một huyền thoại trong chính bản thân nó. Ông thích sưu tầm loại sách nào?

ECO
Tôi sở hữu tổng cộng khoảng năm mươi nghìn quyển sách. Nhưng là một người sưu tầm sách hiếm, tôi đặc biệt bị lôi cuốn bởi xu hướng ưa thích những điều nhảm nhí của con người. Vậy nên tôi sưu tầm sách về tất cả các chủ đề mà tôi không tin, như là kabbalah [phép thuật của người Do Thái], tgiả kim, phép thuật, các kiểu giả-ngôn ngữ. Những cuốn sách nói dối, dù không cố tình. Tôi có cả Ptolemy, chứ không phải Galileo, vì Galileo nói sự thật. Tôi để ý đến khoa học bên lề như vậy hơn [lunatic science].

NPV
Với nhiều sách như vậy, làm sao ông có thể biết hôm đó sẽ chọn quyển nào để đọc?

ECO
Tôi không đến bên giá sách để chọn sách đọc. Tôi đến bên giá sách để lấy cuốn sách mà tôi biết là mình cần khi ấy. Đó là hai chuyện khác hẳn nhau. Ví dụ như, nếu cô hỏi tôi về các tác giả đương đại, tôi sẽ nhìn về phía bộ sưu tập các tác phẩm của Roth hoặc Delillo để nhớ xem chính xác mình thích cuốn nào. Tôi là một học giả. Chính vì thế tôi có thể nói rằng tôi không bao giờ được tự do lựa chọn. Tôi hành động theo yêu cầu của công việc mà tôi đang làm, bất kể đó là lúc nào.
NPV
Ông có cho, tng sách bao giờ không?

ECO
Tôi nhận một số lượng khổng lồ sách mỗi ngày: tiểu thuyết, ấn bản mới của số sách mà tôi đã có, mỗi tuần tôi lại đóng vài thùng và gửi đến trường đại học của tôi, nơi có một cái bàn to mà trên đó có một dấu hiệu gợi ý rằng ta hãy chộp lấy một cuốn sách và chạy cho thật nhanh.

NPV
Ông là một trong những trí thức được đông đảo công chúng biết đến nhất. Vậy ông định nghĩa thế nào về từ “trí thức”? Liệu nó còn có một ý nghĩa đặc biệt hay không?

ECO
Nếu định nghĩa khái niệm “trí thức” [intellectual] như một người chỉ làm việc bằng cái đầu chứ không với đôi tay, thì một nhân viên ngân hàng là trí thức còn Michelangelo thì không. Và ngày nay, với một chiếc máy tính, tất cả mọi người đều là trí thức. Vậy nên tôi nghĩ rằng không có gì để nói về nghề nghiệp của một người, hay địa vị xã hội của họ. Theo tôi, một trí thức là người sáng tạo ra tri thức mới. Một người nông dân hiểu rằng chiết cây ghép cành cho thể cho ra một giống táo mới, đó chính là lúc người đó thực hiện một hoạt động trí thức. Trong khi đó, một giáo sư triết học cả đời lặp đi lặp lại một bài giảng về Heidegger không thể được coi là một trí thức. Phê bình sáng tạo [critical creativity] – phê bình chính những gì chúng ta đang làm hoặc tìm ra cách tốt hơn để làm điều ấy, chính là dấu hiệu duy nhất của một trí thức vẹn toàn.
NPV
Trí thức ngày nay có còn thiết tha với khái niệm nghĩa vụ chính trị [political duty], như chúng ta ở vào thời điểm của Sartre và Foucault?

ECO
Tôi không tin rằng để thực hiện nghĩa vụ chính trị, người trí thức phải hành động như thành viên của một đảng phái, hay tệ hơn, chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội đương thời. Những trí thức nên tham gia vào chính trị như bất cứ công dân nào khác. Ở mức độ cao nhất, một trí thức có thể dùng danh tiếng của mình để ủng hộ một quan điểm nào đó. Nếu như ở đây có một tuyên bố nào đó liên quan đến vấn đề môi trường, ví dụ như vậy, một chữ ký của tôi có thể giúp gì đó, vậy thì tôi sẽ dùng danh tiếng của mình cho động thái chung đó. Vấn đề ở đây là người trí thức chỉ có ích trong một tương lai có liên đới đến họ, chứ không phải trong thực tại. Nếu như ta ở trong một nhà hát đang bốc cháy, một nhà thơ sẽ không trèo lên ghế và đọc thơ. Anh ta phải gọi lính cứu hỏa đến, như mọi người khác. Nhiệm vụ của người trí thức là nói lên điều đó từ trước khi sự việc xảy ra: Hãy để tâm đến nhà hát đó vì nó đã cũ kỹ và nguy hiểm! Như vậy, lời nói của anh ta sẽ có chức năng dự đoán của một lời kêu gọi hành động. Nhiệm vụ của người trí thức là nói, Chúng ta cần làm điều này, chứ không phải là Chúng ta phải làm điều kia ngay bây giờ! – đó là nhiệm vụ của chính trị gia. Nếu như xã hội không tưởng [utopia] của Thomas More có tồn tại, tôi ngờ rằng đó sẽ là một kiểu xã hội như dưới thời Stalin.
NPV
Tri thức và văn hóa đã đem lại lợi ích gì cho cuộc đời ông?

ECO
Nếu một người mù chữ chết vào tuổi của tôi chỉ sống được môt cuộc đời, còn tôi thì đã sống được cuộc đời của Napoleon, Caesar, d’Artagnan. Vậy nên tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ đọc sách, bởi vì đó là ý tưởng tuyệt vời để bồi đắp một trí nhớ tốt và một nhân cách rộng mở. Và khi đến cuối đời mình, bạn đã sống được vô số cuộc đời khác, đó là một đặc ân tuyệt vời.

NPV
Nhưng một trí nhớ siêu phàm cũng có thể là một gánh nặng vô cùng. Giống như trường hợp của Funes, một những nhân vật Borges đã sáng tạo ra và được ông ưa thích, trong truyện “Funes the Memorious” .

ECO
Tôi thích khái niệm cứng đầu-thờ ơ [stubborn incuriosity]. Để có được khả năng đó, ta phải tự giới hạn bản thân trong một số phạm vi kiến thức.Ta không thể nào nhồi nhét mọi thứ vào mình được. Ta phải bắt mình không được học tất cả mọi điều trên đời. Nếu không, ta sẽ không học được bất cứ thứ gì cả. Hỏi hỏi [culture], theo nghĩa này, là học cách lãng quên. Còn không, một người sẽ trở nên như Funes, người nhớ chính xác mọi chiếc lá trên cái cây anh ta đã nhìn thấy từ ba mươi năm trước. Hãy học cách phân biệt điều bạn muốn học và điều bạn muốn nhớ, đó chính là điểm tối quan trọng để có được nhân thức cho riêng mình.

NPV
Nhưng không phải chính việc văn hóa [culture], theo nghĩa rộng, đã là một tấm lọc rồi sao?

ECO
Đúng vậy, văn hóa của mỗi chúng ta (our private culture – cũng chính là học hỏi), là một lựa chọn phụ trợ, vì văn hóa, theo nghĩa rộng, đã có hàm ý phân biệt. Theo cái nhìn đó, văn hóa là một quá trình trong đó một cộng đồng gợi ý cho ta đều gì cần nhớ và điều gì cần quên. Khi nhìn vào mỗi cuốn bách khoa tri thức, chính văn hóa quyết định rằng cuộc sống của Calpurnia sau cái chết cua chồng bà, Julius Caeser là không đáng nhắc đến. Hầu như không có gì đặc biệt xảy ra với bà. Trong khi đó, Clara Schumann lại trở nên quan trọng hơn sau cái chết của Schumann. Người ta đồn rằng bà là người tình của Brahms, vì rồi bà trở thành một nghệ sĩ piano được đánh giá cao nhờ vào chính khả năng của mình. Và tất cả đều đúng cho đến khi một nhà sử học đưa ra được một văn bản chưa từng thấy trước đây, chứng minh rằng một điều chúng ta từng thờ ơ, lại là điều gì đó quan trọng.
Nếu như văn hóa không phải là một tấm lọc, thì nó sẽ trở nên vô nghĩa – cũng giống hệt như bản chất mênh mang nhưng mờ mịt của Internet. Nếu có được tất cả những tri thức vô hạn ấy, chúng ta sẽ trở nên đần độn hết cả! Văn hóa là một công cụ để tạo nên hệ thống thứ bậc trong lao động trí óc. Tôi và cô chỉ cần biết rằng, Einstein là người đã đưa ra thuyết tương đối. Nhưng việc thực sự hiểu được lý thuyết đó, ta hãy để cho các chuyên gia. Vấn đề thực sự là có quá nhiều người tin rằng mình có quyền trở thành một chuyên gia như thế.

NPV
Ông nghĩ gì về những lời cảnh báo về cái chết của tiểu thuyết, của sách, hay cái chết của văn hóa đọc?

ECO
Tin vào đoạn kết của một điều gì đấy là một thái độ văn hóa hết sức điển hình. Từ thời Hy Lạp, La Mãn, chúng ta đã không ngừng tin rằng tổ tiên vượt trội hơn mình. Tôi luôn thấy vui thích và hứng thú với cuộc chạy đua này, điều mà truyền thống đại chúng đã khai thác với cường độ ngày càng mạnh mẽ hơn. Mỗi mùa lại có một bài báo về sự cáo chung của tiểu thuyết, sự chấm dứt của văn chương, cái chết cho văn hóa đọc ở nước Mỹ. Người ta không còn đọc nữa! Thanh thiếu niên chỉ biết chơi video games! Sự thật của vấn đề là khắp nơi trên thế giới vẫn có hàng nghìn cửa hiệu đầy sách và đầy những độc giả trẻ. Trong lịch sử loài người chưa từng có nhiều sách đến thế, nhiều nơi bán sách đến thế, với chừng đó người trẻ ghé thăm và mua sách.
NPV
Vậy ông sẽ nói gì với những người tuyên truyền thái quá đó?

ECO
Văn hóa liên tục biến đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó có thể là một văn hóa hoàn toàn mới, nhưng đó sẽ luôn là văn hóa. Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, nhiều thế kỷ đã chứng kiến những thay đổi sâu sắc, về ngôn ngữ, chính trị, tôn giáo và văn hóa. Chừng đó thay đổi đang diễn ra hiện nay với tốc độ nhanh gấp mười lần. Nhưng những dạng thức mới thú vị sẽ xuất hiện và văn học sẽ vượt qua thử thách.

NPV
Trước đây ông từng nói, ông muốn mình được nhớ tới như là một học giả hơn là một tiểu thuyết gia. Điều đó đúng chứ?

ECO
Tôi không nhớ đã nói điều đó, vì kiểu tuyên bố như thế sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh tôi nhận được câu hỏi. Nhưng ở thời điểm này, kinh nghiệm đã dạy tôi rằng công trình của một học giả phải chật vật để tồn tại, vì các lý thuyết luôn đổi mới liên tục. Aristotle sống sót, nhưng vô vàn công trình cách đây một thế kỷ đã không được tái bản. Trong khi đó, rất nhiều tiểu thuyết vẫn còn lại với chúng ta đến ngày nay. Dựa vào sự thật đó, có thể thấy rằng cơ hội được nhớ tới như một nhà văn cao hơn là như một học giả, và tôi nhận thức những bằng chứng này một cách rạch ròi, dù chúng không được như ước muốn của tôi.

NPV
Đối với ông, ý niệm rằng tác phẩm của mình sẽ được nhớ đến có tầm quan trọng như thế nào? Ông có thường nghĩ đến di sản của mình không?

ECO
Tôi không tin một người chỉ viết cho bản thân mình đọc. Tôi tin rằng viết là một cử chỉ của tình yêu – bạn viết để dành tặng điều gì cho ai đó. Để giao tiếp. Để chia sẻ với người khác những cảm xúc của mình. Câu hỏi tác phẩm của mình sẽ tồn tại trong bao lâu luôn là câu hỏi cơ bản đối với mỗi người viết, không chỉ là với tiểu thuyết gia hay nhà thơ. Sự thật là, triết gia viết sách để thuyết phục nhiều người tin vào lý thuyết của ông ta, và hy vọng ba nghìn năm sau, nhân loại vẫn sẽ đọc được nó. Điều đó cũng giống như ta hy vọng rằng con cái sẽ tưởng nhớ mình, và nếu như bạn có cháu chắt, nó cũng sẽ tưởng nhớ con cái bạn. Mỗi người đặt niềm hy vọng vào một sự nối tiếp. Khi một nhà văn nói, Tôi không quan tâm đến số phận các cuốn sách của tôi, anh ta đơn giản là một kẻ dối trá. Anh ta nói điều đó chỉ để làm hài lòng người phỏng vấn.

NPV
Đến thời điểm này ông có mối ân hận nào không?

ECO
Tôi hối hận mọi thứ, vì tôi đã phạm phải vô cùng, vô cùng nhiều sai lầm trên mọi bước đường đời. Nhưng nếu tôi được bắt đầu lại, thì thành thật mà thôi, tôi nghĩ mình sẽ lặp lại những sai lầm y như vậy. Tôi nói nghiêm túc đấy nhé. Tôi đã dành cả đời mình quan sát mọi hành vi và tư tưởng, rồi chỉ trích bản thân. Tôi nghiêm khắc đến nỗi tôi sẽ không bao giờ cho cô biết điều tôi tự trách bản thân mình ghê gớm nhất là gì, ngay cả khi cô ra giá một triệu dollars.

NPV
Có cuốn sách nào ông chưa bao giờ viết nhưng lại ước ao mình đã từng?

ECO
Có, chỉ một cuốn thôi. Cho đến tuổi năm mơi và trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã ước ao có thể viết được một cuốn sách về lý thuyết hài kịch. Tại sao ư? Bởi vì tất cả các cuốn sách về chủ đề này đều thất bại, ít nhất là tất cả những cuốn tôi từng đọc. Tất cả những nhà lý luận về hài kịch, từ Freud cho đến Bergson, đã giải thích một vài khía cạnh của loại hình này, nhưng chưa ai chạm được vào nó một cách toàn diện. Vậy nên tôi tự nhủ với bản thân, hẳn là mình sẽ muốn viết nên một lý thuyết thực sự về hài kịch. Nhưng rồi việc đó trở nên quá khó khăn. Nếu tôi biết vì sao nó lại khó đến thế, chắc tôi đã có câu trả lời và viết ra cuốn sách.

NPV
Nhưng ông đã viết sách về cái Đẹp và gần đây, về cái Xấu. Những khái niệm đó không phải rất khó nắm bắt hay sao?

ECO
So với cái Đẹp và cái Xấu, hài kịch đáng sợ hơn nhiều. Tôi không nói đến chuyện cười cợt, xin cô lưu ý cho. Không đâu, những sắc thái tình cảm bí ẩn trong vở hài kịch nó phức tạp đến nỗi tôi không tài nào giải thích được. Và ôi chao, chính bởi vậy mà tôi đã không viết cuốn sách nào về nó.
NPV
Hài kịch có phải là một sáng tạo đặc trưng của con người không, giống như bịa chuyện vậy?

ECO
Phải, dường như là các loài động vật khác không có khiếu hài hước. Chúng ta biết rằng chúng có thể giả vờ, chúng biết buồn, mít ướt, chúng cũng đau khổ. Chúng ta có bằng chứng là chúng vui, khi chúng vui đùa với ta, nhưng không có gì chứng tỏ chúng có những cảm xúc hài kịch. Đó là một trải nghiệm của riêng con người, bao gồm… Nhưng mà không, tôi không thể nói chính xác được.

NPV
Tại sao vậy?

ECO
Hừm, được thôi. Tôi ngờ rằng điều này có liên hệ với sự thật là chúng ta là loại động vật duy nhất nhận thức được rằng mình sẽ chết. Những loài khác không biết điều đó. Chúng chỉ hiểu ra khi thời điểm cái chết đã cận kề. Chúng không có khả năng tuyên ngôn bất cứ điều gì tương tự như là khẳng định: Tất cả con người đều chết. Chúng ta có khả năng làm điều đó, và đó hẳn là lý do giải thích cho tôn giáo, lễ nghi và mọi đều khác nữa. Tôi nghĩ rằng hài kịch là phản ứng tinh túy nhất của con người đối với nỗi sợ cái Chết. Tôi không thể nói thêm điều gì khác nữa. Như tôi sẽ tạo ra một bí ẩn trống rỗng ngay bây giờ, để cho mọi người nghĩ rằng tôi có một nghiên cứu về lý thuyết hài kịch, vậy là khi tôi chết người ta sẽ tốn cả đống thời gian để cố tìm cho được cuốn sách bí ẩn của tôi.
Sự thật là, ước ao viết sách về hài kịch của tôi đã khiến tôi viết Tên của Đóa Hồng. Đó là một trong những trường hợp cho thấy rằng, khi ta không thể dựng nên một lý thuyết, thì ta chuyển hướng sang kể một câu chuyện. Và tôi tin rằng trong Tên của Đóa Hồng, xuôi theo dòng truyện kể, tôi đã phát lộ được một lý thuyết nào đó về hài kịch. Hài kịch như là một biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn thói cuồng tín, hay là một bóng mây ngờ vực ranh mãnh ẩn sau mỗi tuyên ngôn về sự thật.

----

Bài gốc: http://www.theparisreview.org/interviews/5856/the-art-of-fiction-no-197-umberto-eco

Chú thích:

[1] Người Neanderthal là một loài trong chi Người Homo Linnaeus, đã tuyệt chủng. Người Neanderthal được xem là phụ loài so với nhánh chính là Homo sapiens – chính là người hiện đại.
[2] Nói thêm cho rõ:  Umberto Eco cho rằng mọi hiện tượng văn hóa đều có thể được nghiên cứu như là một dạng truyền thông (Nguồn: Wikipedia - Caesar, Michael (1999). Umberto Eco: Philosophy, Semiotics, and the Work of Fiction. Wiley-Blackwell. tr. 55. ISBN 9780745608501.)
[3] Xem thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/Deconstruction
[4] Bí mật của hội Tam Điểm, xem thêm tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Freemasonry
[5] Một lý thuyết cho rằng người Do Thái có âm mưu làm bá chủ thế giới. Xem thêm tại https://en.wikipedia.org/wiki/The_Protocols_of_the_Elders_of_Zion

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ