Skip to main content

Chỗ của tình thương

Từ ngày tôi bước chân xuống sân bay Charles de Gaulle đến nay, đã gần bốn tháng. Bốn tháng sống xa nhà và học cách tự lo cho bản thân. Tôi không rõ mình có trưởng thành lên chút nào không, cả về thể chất và trong suy nghĩ, nhưng sau một thời gian ngắn mải lo sống, tôi thấy tự do có vị khá ngọt ngào. 
Tự do quan sát, tự do suy nghĩ. Về những thứ mình đã trải qua, về những thứ cách mình hơn một vạn cây số. Về cách thể hiện tình thương.

Tình thương chắc phải khác với tình yêu. Tình yêu là thứ đến tự nhiên, và hầu như chẳng có lý do gì để giải thích tại sao mẹ lại yêu con, trai lại yêu gái. Tình thương bao gồm cả lý trí, để thương đúng người, đúng lúc và thương được nhiều người cùng lúc. Tình yêu có thể không đi cùng với trách nhiệm, nhất là khi đó chỉ là cái cớ để đẩy ai đó lên giường. Tình yêu có thể chấm dứt chẳng cần lý do gì to tát, nhưng tình thương thì không đứt gánh bao giờ. Tôi muốn nói gì khi nói về tình thương?

Tôi sẽ nói về mẹ tôi. Mẹ tôi là một y tá. Tôi sẽ nói về bố tôi. Bố tôi là một người buôn bán bình thường. Đó là những người yêu tôi vì lẽ tự nhiên, nhưng với tình thương, đã nuôi tôi thành người. Có lẽ không cần phải là trí thức cành cao mới có đủ lý trí để dạy con cái cách yêu thương. Chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ mình từ chối giúp đỡ ai, ngay cả khi điều kiện của chúng tôi không khá gì hơn người cần giúp. Điều đáng quý không phải mình thừa ra thì mới cho đi, mà ngay cả khi chính mình cũng thiếu, mà vẫn san sẻ với những người xung quanh. Khi tôi học Thánh Kinh, Chúa răn dạy phải biết tôn kính Chúa và yêu thương người gần. Khi tôi lớn lên là người, bố mẹ tôi đã dạy, không cần sách vở hay những lời thuyết giáo, rằng không cần có Chúa, vẫn có tình thương. Bằng giáo dục trực quan. 

Tôi tình cờ thấy một bức ảnh được chia sẻ trên Facebook, ảnh chụp một cụ già bên tấm biển Vá Xe. Hà Nội mùa này đã lạnh, tháng mười hai, về đêm thì bắt đầu có mưa bụi. Người chụp ảnh kể chuyện cụ già bị người thân ngược đãi, phải ngồi ở vỉa hè Tràng Thi-Phủ Doãn đã mấy ngày. Đói, rét và không có chỗ ngủ. Cụ hỏi xin người này cái áo len. Người này hỏi chuyện thì cảm động, về nhà mang thức ăn, quần áo và chăn cho cụ, rồi chụp ảnh, chia sẻ để những người khác biết và giúp đỡ. Tôi thấy lòng mình nhói đau. Tôi hiểu cảm giác của mẹ, khi nhìn cảnh những người già tuổi ông tuổi bà mình phải sống vất vưởng ngoài đường. Nhưng tôi còn thấy bức bối hơn, cái cảm giác không thể diễn tả thành lời, khi thấy không một ai, ngay cả người chia sẻ câu chuyện, đến ngay đồn công an khu vực để hỏi cho ra nhẽ vì sao một người đã có công với cách mạng nay lại phải đi xin cái áo len để khỏi chết rét, từ một người không quen biết. Tôi cũng không hiểu sao người ta có thể dễ dàng buông một lời trách móc, chửi rủa hay ở một đối cực khác, vui vẻ tìm quần áo, thức ăn để "quyên góp" cho cụ già ấy thay vì đưa cụ về đúng nơi có tình thương và giả dụ tình thương là thứ quá xa xỉ trong thời đại này, thì hãy nói về trách nhiệm. 

Hay là khi log out Facebook, gập máy tính lại, cuộc đời "ngoài kia" luôn ngập bảy sắc cầu vồng?

Tôi đã nói với mẹ tôi về trách nhiệm. Trách nhiệm xã hội là thứ mà tôi thấy khi xem ảnh lớp em trai đi thăm một trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Mẹ bảo, khi bàn bạc, ban phụ huynh đề xuất cho các con đi thăm một khu sinh thái. Tôi cười, thì ra "sinh thái" bao gồm cả các cụ. Nhưng ở những trung tâm ấy, nếu không phải là mở ra để làm kinh tế, thì cũng chỉ là nơi để những người con quá bận rộn gửi gắm cha mẹ đã già nua lẩn thẩn của mình, để họ được chăm sóc tốt hơn. Có lẽ nào ta lại được một người xa lạ chăm sóc tốt hơn người cùng máu thịt với mình? Đỉnh cao của tình thương toàn thể là trách nhiệm xã hội, và cũng là đáy vực của lý trí khô khan. Các cụ là những "hòn đá", trong một vườn sinh cảnh. Trong công viên có những tượng đài chiến công, trong nhà dưỡng lão là cụm nhóm những điêu khắc tình người. Phương Tây có nhiều nhà dưỡng lão, nơi người già bầu bạn với nhau, đó là một nét văn minh. Thật vậy sao? Fiona là người Pháp, chị làm việc trong một nhà dưỡng lão. Chị bảo, không thể hiểu vì sao người ta lại có thể đẩy cha mẹ mình vào những nơi như thế. Không hề có niềm vui, không hề có sự sống. Và Paris đầy những người già cô độc.

Có lẽ mẹ tôi và Fiona là những người giàu tình cảm. Tôi không phải người giàu tình cảm, tôi chỉ có những lý tưởng trong đầu mà không cách nào hiểu được hiện thực. Tôi băn khoăn khi em trai tôi và các bạn của em, những em nhỏ lớp hai, đến thăm một trung tâm chăm sóc người cao tuổi mà không cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm trong đó. Từ lần đầu tiên đi thăm một trung tâm xã hội như thế vào năm lớp mười, tôi đã cảm thấy ở những nơi như thế sự thiếu vắng tình thương. Những lượt khách đến, những lượt khác đi, màn văn nghệ diễn đi diễn lại trăm lần, những món quà không biết vào tay ai. Tôi chạnh lòng khi thấy một phụ huynh gọi trung tâm chăm sóc là "trại dưỡng lão". Ôi người ta gọi là trại tâm thần, trại giam, chứ nỡ lòng nào coi những người già yếu như những hình nhân di động. Tôi không gửi bức ảnh người đàn ông già trên vỉa hè Tràng Thi cho mẹ, vì tôi biết mẹ sẽ hành động như những gì tôi cho là đúng, và mẹ sẽ thấy đau lòng. Cũng vì tôi cứ loay hoay với chính suy nghĩ của mình.

Xã hội đề cao đạo đức quá, nên mới nhiều "đạo đức giả". Tôi không cho mình là người đạo đức tốt, vì thấy thương cảm với người già, trẻ em và phụ nữ là một điều hiển nhiên trong tâm lý con người. Họ yếu sức, họ không gây hại cho chúng ta, không cạnh tranh miếng cơm manh áo của chúng ta. Nhưng lòng thương hại, lại là cái loại lòng thương hết sức độc hại. Giúp đỡ, tặng, cho, ban ơn, bố thí. Tốt bụng, đạo đức, cao thượng. Giúp một người, hay là để họ cứ mãi sống dựa vào lòng tốt nhất thời hay tính thích phô trương của ta?

Tôi không suy nghĩ bằng tình cảm, cũng không muốn dập lòe người khác để tỏ ra mình khác thường, cao siêu hơn thiên hạ. Tôi chỉ thấy rằng trước mắt mình có những thứ rất sai, sai từ căn bản mà không hiểu sao vẫn tồn tại được. Hay phải cần một thời gian rất dài nữa người ta mới nhận ra? Hay là tôi sai? Rảnh quá nên suy diễn lung tung, cho mình là đúng? Hegel bảo "Cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì hợp lý." Có thể hiểu, vì cái sai nó "hợp lý", nên sai như vậy chưa ai chết, cái sai cũng không chết. Nhưng mà hiểu như vậy, Hegel không nói cụ thể đến trường hợp của Việt Nam. Với một lòng thương mang tính hình thức gắn liền với đạo đức, thì nếu ai nói Việt Nam còn nhiều lạc hậu về mặt nhận thức, thì đúng là rất hợp lý. Tôi không có ý cho rằng mình tiến bộ, cũng chẳng dám vơ đũa cả nắm, nhưng sao phải đi mang thức ăn đến tận miệng môt người, thay vì tìm hiểu nguyên nhân và giúp họ không bao giờ bị đói nữa? Sao lại cứ nhìn biểu hiện mà thể hiện thái độ, chứ không phải là đi đến tận gốc vấn đề? Sao lại chê bai em Hoa Hậu năm nay xấu thế, mà không đập bàn đòi ban Giám khảo giải trình? Sao báo Tây giật tít trình độ học vấn của Hoa Hậu ngày càng cao, báo Ta thì nhiều nhà Hoa Hậu to, bố Hoa Hậu giàu? (Cũng đừng nên trách báo lá cải, hãy trách mình không đòi ăn cơm với cá - cho thông minh.)

Nói về tình thương, tôi chỉ nghĩ về trách nhiệm. Nếu trách nhiệm to quá, cá nhận đỡ không xuể, thì cộng đồng hãy đỡ. Cá nhân hãy đóng thuế để ai cũng được hưởng an sinh xã hội, xã hội văn minh như Tây (mà những năm 40 khi Camus viết Người Xa Lạ, nhân vật chính trong tiểu thuyết bị nhìn nhận rất thiếu thiện cảm vì đã đưa mẹ mình vào nhà dưỡng lão). Định nghĩa về thuế trong sách Giáo dục công nhân là gì? "Thuế là nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước". Nhà nước, hóa ra, cần cả tình thương lẫn trách nhiệm. À, cuối cùng tôi cũng đã tìm được một điểm hóa giải: tiền.

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh quay bị xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là một giai

A girl at my door (2014) - Ai được quyền uống rượu?

A girl at my door  (tên tiếng Việt: Cô bé nhà bên) là một bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc. Phim ra mắt năm 2014, là sản phẩm của một ekip khá đặc biệt: 2 diễn viên chính là nữ, đạo diễn cũng là nữ. Chủ đề chính của phim vì vậy cũng mang dấu ấn giới tính rõ rệt: đồng tính và bạo lực gia đình. Young-nam, một cảnh sát trẻ ở Seoul bị điều về làm đồn trưởng của một ngôi làng nhỏ ven biển. Sự xuất hiện của nữ cảnh sát mảnh mai hoàn toàn đối lập với không gian đang đón đợi cô: một cộng đồng khép kín, dân cư đa phần là người già với lực lượng lao động là người nhập cư trái phép, hoạt động dưới sự chỉ huy của người đàn ông có tiếng nói nhất trong làng, Yong-ha. Trên đường đi, Young-nam tình cờ bắt gặp một cô bé, sau này lại trở thành mối bận tâm của cô trong suốt thời gian công tác tại đây. Dohee là con nuôi của Yong-ha, thường xuyên bị bố và bà bạo hành về thể xác và tinh thần từ khi còn nhỏ. Có thể dễ dàng nhận thấy, sự phản kháng của thiểu số đối với đa số không phải đề tài hiếm gặp. H

Bếp, và tuổi 23

Bây giờ là gần 2h rưỡi sáng. Mình vừa tạm viết xong bài thuyết trình cho môn thi cuối cùng. Tự dưng thèm canh chua thịt bò, thế là rã đông một phần thịt còn trong tủ, cùng một ít sấu ăn xin được từ hồi lên Paris đợt Toussaints. Và trong lúc đợi bếp sôi, ngồi viết những dòng này (liệu có giống ngày Tết ngồi canh bánh chưng không nhỉ?) Chỉ biết là mấy tháng nay, sống trong một cái nhà không phải của mình, nấu ăn trong một cái bếp không do tay mình sắp xếp, thấy thật nhiều gượng gạo và đắn đo. Nhưng có lẽ, vài tuần nữa mình sẽ chuyển đến một không gian mới, một căn bếp mới, và sẽ thấy thoải mái hơn chăng? Vài tuần nữa, mình sẽ sang tuổi 23. Biết nói thế nào nhỉ, tuổi 22 đã dạy mình nhiều thứ. Mình xem tử vi thì thấy năm tới không xui cũng không may, nhưng số mình thì còn lâu nữa mới sướng được. Cũng chẳng biết có nên suy nghĩ về điều ấy không, vì rốt cuộc, cuộc đời cũng chỉ có lên và xuống, đâu mãi bằng phẳng được. Và rồi những gì mình có được hay đánh mất đi khi đi qua con đường ấ