Skip to main content

[ghi chép 1] "hai mặt của vấn đề"


1. Phong trào Occupy Wall Street (Chiếm lấy phố Wall) hình thành sau khi người ta phát hiện ra 1% dân số sở hữu 99% phần của cải của tất cả gộp lại. Với 1% giàu có ấy, phố Wall là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi kinh tế hàng đầu, cũng là một biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Chiếm phố Wall, hay tấn công vào một biểu tượng chính là cách 99% dân số còn lại: đông đúc, nghèo và yếu thế, thể hiện sức mạnh đối trọng của mình.

Nhưng có thể thấy, nếu các hoạt động của giới tư bản nằm bên trong các tòa nhà, trong một mạng lưới dày đặc với cường độ gấp gáp, thì phong trào chiếm đóng lại nằm ở bên ngoài, bằng một sức mạnh tĩnh. Măt khác, nếu giới tư bản thao túng nền tài chính, thì phong trào chiếm đóng tập trung bằng biểu dương tinh thần, hay đối với một số nghệ sĩ, là triển khai các hình thức văn hóa nghệ thuật. Tuy giao dịch tài chính không có hình thức vật chất, mà chỉ có một đơn vị tượng trưng là tiền, biểu dương tinh thần/văn hóa/nghệ thuật vẫn là thứ phù du hơn nhiều. Từ góc độ này, có thể thấy Occupy Wall Street hiện hữu ở bề mặt của vấn đề, chứ chưa xâm nhập được sâu trong cách thức vận hành của Wall Street để từ đó thay đổi nó.


Dựa trên quan sát đó, kết luận lại là 1 "vấn đề" không phải có nhiều mặt (đều nằm ở bề nổi, mặt hình thức), mà là nhiều layers, nhiều lớp.

Lấy ví dụ của màn trình diễn của nghệ sĩ Steven Cohen, Golgotha (2009). Anh đến New York mua hai chiếc đầu lâu người với giá 900e mỗi chiếc, làm thành giày cao gót (cao hơn 30cm, mà anh gọi là skulettos). Sau đó đóng bộ complet-cravat, anh đi lại giữa phố Wall, "thực sự bước trên những chiếc sọ người trong khu phố trọng yếu nhất của giới doanh nhân". (huffingtonpost.fr)

Cohen có thể không đánh sập thị trường chứng khoán, nhưng hiệu ứng từ performance của anh thì được lưu lại trong võng mạc của bất cứ ai là "khán giả" bất đắc dĩ khi ấy.



ảnh từ Centre Pompidou


2. Nước Ý chúng ta yêu mến. Nước Ý của chúng ta với pizza và pasta và sốt cà chua ngon lành. Nước Ý với những ngôi làng chứa đầy người nhập cư trái phép, người lao động chui lủi, tồn tại bằng những điều kiện vật chất không thể tin nổi của thế kỷ này, bên cạnh những trái cà chua mọng thuốc trừ sâu. Nước Ý thờ ơ với những bản danh sách những người mất tích. Nước Ý khi tìm ra họ thì tống họ đi như một mớ rẻ rách.

Không chỉ nước Ý, cả châu Âu. 25 tuổi, tốt nghiệp khoa học chính trị ở Algérie, thông thạo 4 thứ tiếng, và làm việc từ 6h sáng đến 10h tối, đổi lấy 10 euro, chỉ vì trót sinh ra ở một nước thứ ba, trên một lục địa bị vắt kiệt. Họ sống ở đâu giữa chúng ta? dưới chúng ta? ở một thế giới ngầm? không thể thấy?


3. Thực ra "vấn đề" là gì? Thế nào là "hai mặt của một vấn đề"? "hai mặt của một vấn đề" đã trở thành một từ-khóa, tức là một từ mở khóa điều gì đó ta đã biết sẵn ở trong đầu. "hai mặt của một vấn đề" chỉ ra mâu thuẫn của rất nhiều thứ trên đời, một kiểu thèse - anti-thèse/for - against đã trở thành khuôn định cho cách ta suy nghĩ. Nhưng có thật trên đời này mọi thứ đều có mặt trái và mặt phải? mặt được chiếu sáng và mặt chìm trong tối?

Làm sao để thay đổi khi ta quá bé nhỏ?

Sinh viên Pháp biểu tình chống luật lao động mới có tác động gì? Nhưng tôi không thuộc về số đông đó? Kể cả khi số đông đó yếu thế và tôi cũng vậy? Nhưng theo hai cách khác nhau?

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...

/truyện - người nghệ sĩ bên ngoài bức tường

Platon nói, không có chỗ cho nghệ sĩ trong thành phố của tôi. Người nghệ sĩ chưa bao giờ đặt chân đến đó. Để đi đến thành phố của Platon, người nghệ sĩ đã lênh đênh trên rất nhiều con thuyền khác nhau, ăn những mẩu bánh mỳ thừa từ bữa ăn của các thủy thủ, và nhấm nháp những quả táo lên men. Những đêm biển lặng và bầu trời quang đãng, anh hát cho họ nghe những khúc ca của mặt đất. Tiếng hát và tiếng đàn hòa vào tiếng sóng vỗ ồ oạp vào mạn thuyền, đôi khi họ cũng hát với anh, đôi khi họ chỉ im lặng lắng nghe. Người nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng hát những giai điệu do anh tự nghĩ ra, và kể cho chú bé học việc trên tàu rằng những con mòng biển đã dạy anh âm nhạc. Chúng chở trên đôi cánh những khúc ca của sóng và gió. Chú bé lắng nghe anh chăm chú và nói rằng hình như ngày bé, chú cũng từng hiểu ngôn ngữ của các loài chim. Khi lớn lên người ta bảo chú phải chọn lấy một nghề, như là làm nông, thợ rèn hay vào quân đội bảo vệ thành phố, chứ không thể có chuyện một con người hẳn hoi mà lại hót n...