Skip to main content

Rì viu một cuốn sách giản dị

"Le sumo qui ne pouvait pas grossir" (xuất bản ở Viêt Nam dưới tên "Chàng su mô không thể béo") của Éric-Emmanuel Schmitt là một cuốn sách giản dị. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thất vọng với những lựa chọn của NXB Abin Michel (niềm tin có được từ trường hợp của Amélie Nothomb). Nằm trong chuỗi Cycle invisible (tạm dịch là Chuỗi vô hình), được giới thiệu trên wikipedia như là một serie các tác phẩm khai thác chủ đề tôn giáo, câu chuyện về chàng sumô có vẻ khác biệt. Anh chàng này tên là Jun, 15 tuổi, bỏ nhà lên Tokyo (là Tokyo ở Nhật ấy nhé) bán DVD và mấy thứ sextoys kì dị trên vỉa hè. Có một người bố tự tử vì chán nản cuộc sống, một người mẹ "thiên thần" yêu thương tất cả mọi người như nhau, nó sống lửng lờ và "dị ứng cả vũ trụ".
Cho đến một hôm một ông trung niên đến ngó vào mặt nó và bảo: Ê có một thằng to tướng ở trong mày đấy. Thế là cuộc đời của Jun đùng một cái thay đổi. Nó học trở thành đô vật sumô dù rằng gầy nhẳng và ăn mãi không mập, nhưng nó đã học được vài đòn thế khá oách và bỗng dưng phải lòng một cô em xinh xinh ở lò võ. 
Đến lúc nó đĩnh ngộ tất cả mọi thứ, ông già kia bèn nói Ta chính là bác mày và mẹ mày đã gửi gắm mày cho tao. 
Một ông nhà văn đặc Âu viết về một thứ văn hóa đặc Á xuyên qua truyền thuyết về tinh thần võ đạo, những bí ẩn của zen và Phật giáo là một số phận bé nhỏ ất ơ đã hạnh phúc theo cái lối chẳng ai ngờ.
Câu chuyện của Jun được kể không màu mè, không quá nhiều dấu ấn, không có những bí mật hay thân phận nào phải đưa ra ánh sáng. Đó chỉ đơn thuần là một số phận con người bình thương, bé nhỏ và đã từng cô độc. Cái giản dị trong phong cách của Schmitt có lẽ là như vậy, không cầu kỳ, không phô trương kỹ thuật, cũng chẳng cố ý mang đến một bài học ngụ ngôn. Phải chăng đó chính là sức mạnh của sự hư cấu, nơi mọi chuyện đều có thể xảy ra. 

Và biết đâu, từ niềm tin vào "nothing is impossible", ta sẽ tìm được đường đến thế giới tưởng tượng như thằng Bastian "béo xấu chân vòng kiềng" hét lên gọi Nguyệt Nhi ơi, tôi tới đây!, cái đường thông vẫn tuồn vào thế giới khô héo mà chúng ta đang sống biết bao nhiêu điều vơ vẩn vô ích đẹp đẽ. 

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...

/truyện - người nghệ sĩ bên ngoài bức tường

Platon nói, không có chỗ cho nghệ sĩ trong thành phố của tôi. Người nghệ sĩ chưa bao giờ đặt chân đến đó. Để đi đến thành phố của Platon, người nghệ sĩ đã lênh đênh trên rất nhiều con thuyền khác nhau, ăn những mẩu bánh mỳ thừa từ bữa ăn của các thủy thủ, và nhấm nháp những quả táo lên men. Những đêm biển lặng và bầu trời quang đãng, anh hát cho họ nghe những khúc ca của mặt đất. Tiếng hát và tiếng đàn hòa vào tiếng sóng vỗ ồ oạp vào mạn thuyền, đôi khi họ cũng hát với anh, đôi khi họ chỉ im lặng lắng nghe. Người nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng hát những giai điệu do anh tự nghĩ ra, và kể cho chú bé học việc trên tàu rằng những con mòng biển đã dạy anh âm nhạc. Chúng chở trên đôi cánh những khúc ca của sóng và gió. Chú bé lắng nghe anh chăm chú và nói rằng hình như ngày bé, chú cũng từng hiểu ngôn ngữ của các loài chim. Khi lớn lên người ta bảo chú phải chọn lấy một nghề, như là làm nông, thợ rèn hay vào quân đội bảo vệ thành phố, chứ không thể có chuyện một con người hẳn hoi mà lại hót n...