Skip to main content

ăn cơm một người

Gần đây, tôi có xem một series phim Hàn Quốc tên là Let's eat (dịch sang tiếng Việt là Thực thần). Nhân vật chính là một nữ thư ký văn phòng luật, hơn 30 tuổi và đã li dị chồng, sống một mình trong căn hộ chung cư cùng với chú chó cưng là bầu bạn duy nhất. Nhân vật ấy rất thích ăn uống, nhưng lại luôn khổ sở mỗi khi đi hàng quán, vì sợ người ta sẽ xì xào khi cô chỉ có ...một mình.

Tôi ăn cơm một mình đã hai năm nay. Có sướng có khổ. Nhưng khổ thì nhiều hơn, dù sướng khổ chỉ là phán xét tự mình cho mình. Trót nấu gì hơi nhiều cũng phải ăn hết. Một hôm nổi hứng xiên que nướng thịt cũng ngẩn ngơ vì thơm ngon đến mấy, bày biện ra cũng chỉ có mình mình biết.
Sinh viên đi du học chắc không có nhiều người sướng-khổ như tôi. Phần đông có bạn chung phòng, có bạn chung chăn, hay có một cộng đồng để tụ tập ăn uống. Riêng tôi thì không...có bạn. Giống như thiếu phụ độc thân kia, tôi không thích mở cửa kết giao với ai bao giờ. Mà tôi thậm chí còn kém hơn, vì tôi chẳng có con thú cưng nào hết.

Ngày bé mẹ tôi bảo Con nhà em nó khái tính. Mới đây tôi mới đi tra nghĩa của từ ấy là gì. Có lẽ mẹ tôi nói đúng thật, như bố mẹ nào cũng có khả năng hiểu con cái hơn chính chúng nó.

Bữa cơm của tôi thường đơn giản, thường là một bát cơm với một bát canh hay đĩa rau hoặc thịt, hoặc đơn giản hơn nữa, tất cả được chất vào một bát tô. Vừa xúc cơm ăn, tôi vừa tranh thủ xem một video nhảm nhí nào đó trên youtube.

Nhưng có những khi tôi chợt nhìn mình bằng con mắt của người thứ ba. Giống như hôm nay, gọi một menu mix mà cửa hàng sushi giao tới tận nhà. Một hộp súp miso, một hộp salad bắp cải, một hộp cơm, một hộp maki-sushi-sashimi rồi một hộp thịt xiên nướng. Bằng ấy thứ hộp bày ra trước mặt tôi. Cầm đôi đũa tre gắp miếng gừng đỏ, bỗng nhiên lại nhớ những bữa cơm nhà. Có bố mẹ và em trai. Các món luộc-xào-kho-mặn-ngọt. Đôi đũa gắp quả cà, miếng dưa. Đũa cũng có đôi, riêng mình tôi đơn lẻ.

Tôi chỉ quen một người duy nhất từng ăn cơm một người như thế, nhưng tôi chưa bao giờ hỏi anh, lúc ăn lại cơm nhà, anh có thấy chút gì lạ lẫm hay không.

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

[The Paris Review] Umberto Eco - The Art of Fiction no. 197

Phỏng vấn Umberto Eco, The Art of Fiction No. 197 Số 185 - Summer 2008 Người phỏng vấn: Lila Azam Zanganeh Lần đầu tiên tôi gọi điện cho Umberto Eco, ông đang ngồi bên chiếc bàn của mình, trong dinh thự được xây từ thế kỷ mười bảy, trên ngọn đồi bên rìa Urbino, gần vịnh Adriatic nước Ý. Ông cất lời ca ngợi vẻ đẹp của cái bể bơi, nhưng lại lo rằng tôi sẽ phải xoay xở với con đường núi đèo dốc quanh co. Vậy nên chúng tôi quyết định cuộc gặp sẽ diễn ra ở căn hộ của ông tại Milan. Tôi đến đây vào tháng Tám đúng dịp ferragosto , đợt nắng nóng nhất mùa hè và là ngày Nhà thờ Công giáo mừng Lễ Đức Mẹ lên Trời. (Assumption of the Virgin Mary). Các tòa nhà gạch xám của Milan lấp lánh trong cái nóng, với một lớp bụi mờ phủ trên những vỉa hè. Đâu đó vang lên tiếng động cơ xe. Đặt chân vào tòa nhà nơi Eco ở, tôi chui vào chiếc thang máy có từ đầu thế kỷ và nghe liền thấy tiếng kẹt cửa ở tầng trên. Vóc dáng bệ vệ của Eco xuất hiện sau tấm cửa lưới bảo hộ thang máy. “Ahhh”, ông...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...