Skip to main content

đón một mùa thu

Mình đã định mở đầu entry này theo một cách hơi cliché, đấy là trích lại bài Chanson d'automne của Verlaine. Nhưng mà lúc đọc thử, thì thấy nỗi buồn của Verlaine không hẳn hợp với ý mình. Chợt nhớ đến bài L'automne (1820) của Lamartine mà thầy giáo đọc chiều nay khi giảng về trào lưu Romantisme, thì thấy ưng bụng hơn nhiều. Mùa thu đến thấy thiên nhiên rơi rụng, trong lòng vừa buồn vừa vui.











 Bèn trích ba khổ đầu:

Salut ! bois couronnés d'un reste de verdure !
Feuillages jaunissants sur les gazons épars !
Salut, derniers beaux jours ! Le deuil de la nature
Convient à la douleur et plaît à mes regards !

Je suis d'un pas rêveur le sentier solitaire,
J'aime à revoir encor, pour la dernière fois,
Ce soleil pâlissant, dont la faible lumière
Perce à peine à mes pieds l'obscurité des bois !

Oui, dans ces jours d'automne où la nature expire,
A ses regards voilés, je trouve plus d'attraits,
C'est l'adieu d'un ami, c'est le dernier sourire
Des lèvres que la mort va fermer pour jamais !

Đọc qua mấy bản dịch sang tiếng Việt thì chưa thấy bản nào đạt, nên chắc lại phóng tác mấy câu không vần như sau:

Chào nhé cánh rừng chỉ còn sót lại chút xanh tươi!
(Nơi) Tán lá ngả vàng trên những thảm nhung rậm rạp!
Chào nhé những ngày tươi đẹp cuối! Thiên nhiên đưa tiễn
Gợi lòng thương đau, lại vui mắt làm sao!

Trên con đường mòn thong dong dạo bộ,
Ta muốn ngắm nhìn lần cuối,
Mặt trời kia, tỏa ánh sáng nhạt dần,
Vạch lần theo bước chân ta giữa những làn cây tối!

Ấy là vào những ngày thu thiên nhiên tàn lụi,
Nhìn vào mắt Người (thiên nhiên) mờ mịt, là xiết bao quyến rũ
Là tiếng bằng hữu giã từ, là nụ cười sau chót
Trên làn môi (mà) tử thần sẽ khép lại nghìn năm!

Dịch xong thấy thật là vđ, càng hâm mộ những người sáng tác thơ và dịch được thơ. Riêng mình dịch xong 3 khổ này, chưa đâu vào đâu đã thấy sức cùng lực kiệt. Ngay cả văn xuôi mình cũng không muốn động tới nữa, nhưng chủ đề này xin không bàn tới hôm nay.
-
Tận dụng một tiếng buổi chiều giữa lúc tan học và giờ làm việc, mình đạp xe vào công viên, nằm dài trên bãi cỏ. Gió mát và nắng dài như mật ong. Thư giãn với mình luôn là một việc khó, mình quen chạy đua với thời gian và cố gắng giữ cho đầu óc bận rộn. Trừ lúc ngủ ra thì lúc nào mình cũng ngó ngoáy vài việc một lúc. Như là nằm được hai phút thì mình lôi chai nước tiệt trùng ra rửa tay, rồi khi phát hiện ra bên cạnh có cây lựu thì mình bèn đi quanh gốc tìm xem có quả rơi quả rụng nào còn nguyên vẹn. Sau đó phát hiện ra ăn xong không chết hay đau bụng, mà đấy còn là quả lựu bé xinh nhất, mọng nước nhất, ngọt nhất mình từng ăn (nước quả chảy ra toàn đường dấp dính).
-
Mỗi ngày trong đầu mình đều nghĩ rất nhiều thứ. Nhưng mình không có thời gian sắp xếp hay viết ra, mình lười nữa và thấy thực sự rối rắm. Nhiều khi mình vẫn băn khoăn về sự mở lòng. Nhưng mở lòng không phải là ưu tiên bây giờ, nhất là khi mình chưa tìm được người tin tưởng, hay một sự ủng hộ nào làm mình yên tâm. Thế giới này toàn là vỏ bọc và những thứ vờ vịt - một người có thể rất thành thật với mình, nhưng sau đấy lại đâm chọt sau lưng mình ngay được. Haha.
-
Có lẽ, trong một buổi chiều hè dài lịch sử, mình đã nằm dài trên bãi cỏ trước thư viện trường cũ để đọc L'espace littéraire của Blanchot. Rồi đọc tiếp trên cái giường tầng bằng sắt ở nhà cũ (không biết khi nào mới tìm được một cái studio si mignon chỉ 300euros mà có bồn tắm - thực sự bây giờ nghĩ lại mới thấy nuối tiếc). Thế giới của mình, hoàn toàn vô hình, phi vật chất, incommunicable, trôi nổi con gián của Kafka, le cercle vide của Blanchot, ngọn lửa của Hölderlin, những đám mây và chuông nhạc của Magritte - hoàn toàn siêu thực và không cần phải-bị chia sẻ. Gần đây mình thường nhìn vào các thầy cô của mình và ước mơ một ngày được đứng ở vị trí của họ, nhưng thực sự mình không biết khi nào mình mới đạt được trình độ ấy. Ui chao. Một con đường khó, làm gì có con đường nào chạy giữa các giao lộ? Không Việt Nam, không Pháp; nửa nọ nửa kia không ai hiểu không thể hiểu ai. Chương trình giáo dục này không được thiết kế cho mình, và mình cũng không chắc bản thân có thể gò theo một ước lệ nào đó. Như chuyện giữa mình và ước muốn của mẹ. Càng nghĩ nhiều càng thấy bó tay.
-
Không biết khi nào mới có thể gặp bố mẹ và em. Được ăn một bữa cơm vui. Được sống bé lại.
-
Bỗng dưng nghĩ đến những ngày mùa đông đạp xe đi ôn thi đại học. Trời lạnh, không sợ gì. Đôi khi đợi bố mẹ đến đón. Nhưng mà lúc ấy bố mẹ nghĩ gì? Suốt 12 năm đi học, thực sự lấy bản thân làm trung tâm. Giờ nghĩ lại thoáng rùng mình.
-
Mùa thu này đánh dấu năm thứ 2 của một chặng đường vui ít mà vất vả và đắn đo lại quá nhiều. Thôi thì "we take what is offered".

P/s: Mùa thu đi thăm nơi người xưa yên nghỉ - một ý tưởng năm nay mới có. Trùng hợp là tháng 10 có Halloween. Phương Đông thì, Thanh Minh tháng Ba tảo mộ, tháng Chín mới nói chuyện cô hồn. Bắt gặp một ngôi mộ đặc biệt, của Musset. Và một trường hợp khác, Nerval. Nhưng truyện này kể sau. Trùng hợp hay không trùng hợp, vô tình hay hữu ý, vài hôm trước nghe thầy Nhất Hạnh luận Truyện Kiều mà thấy vỡ ra đôi điều lý thú. Nhớ lại đoạn Thúy Kiều thăm mộ Đạm Tiên:

Kiều rằng: “Những đấng tài hoa, (115)
Thác là thể phách còn là tinh anh.
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ!”
/
một dòng liên tưởng nhỏ.

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...

/truyện - người nghệ sĩ bên ngoài bức tường

Platon nói, không có chỗ cho nghệ sĩ trong thành phố của tôi. Người nghệ sĩ chưa bao giờ đặt chân đến đó. Để đi đến thành phố của Platon, người nghệ sĩ đã lênh đênh trên rất nhiều con thuyền khác nhau, ăn những mẩu bánh mỳ thừa từ bữa ăn của các thủy thủ, và nhấm nháp những quả táo lên men. Những đêm biển lặng và bầu trời quang đãng, anh hát cho họ nghe những khúc ca của mặt đất. Tiếng hát và tiếng đàn hòa vào tiếng sóng vỗ ồ oạp vào mạn thuyền, đôi khi họ cũng hát với anh, đôi khi họ chỉ im lặng lắng nghe. Người nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng hát những giai điệu do anh tự nghĩ ra, và kể cho chú bé học việc trên tàu rằng những con mòng biển đã dạy anh âm nhạc. Chúng chở trên đôi cánh những khúc ca của sóng và gió. Chú bé lắng nghe anh chăm chú và nói rằng hình như ngày bé, chú cũng từng hiểu ngôn ngữ của các loài chim. Khi lớn lên người ta bảo chú phải chọn lấy một nghề, như là làm nông, thợ rèn hay vào quân đội bảo vệ thành phố, chứ không thể có chuyện một con người hẳn hoi mà lại hót n...