Tôi không nhớ mình đã xem Finding Nemo trong hoàn cảnh nào. Có lẽ là vào một ngày hè 8 tuổi, trong lúc dán mắt vào Disney Channel như vô số những đứa bé có bố mẹ bận rộn khác, tôi đã tình cờ gặp được chú cá hề Marlin trong hành trình tìm kiếm con trai Nemo. Tôi khá thích Finding Nemo, nhưng đúng theo cách một đứa bé yêu Doraemon hay Teddy Bear.
Ở chúng có cái gì đó ngộ nghĩnh và "dễ thương" như các nhân vật trong những câu chuyện cổ tích hàm chứa bài học đạo đức mà người lớn dành cho trẻ con. Sự kết hợp giữa vẻ ngoài đáng yêu và những giá trị phổ quát như tình cảm gia đình, tình bạn, lòng dũng cảm v..v là câu thần chú chưa bao giờ thất bại, dẫu nhàm chán. Theo đó, cách tôi nhìn bộ ba Marlin – Dory – Nemo không khác nhiều lắm với bộ đôi Lilo & Stitch. Trang bị sẵn suy nghĩ ấy trong đầu, tôi vô cùng tự tin đi xem Finding Dory mà không tin rằng bộ phim này sẽ làm được gì khác các bộ phim hoạt hình ra rạp mỗi mùa hè phục vụ gia đình và các thiếu nhi. Nhưng tôi đã nhầm.
![]() |
cr: impawards.com |
‘Dễ thương’ theo công thức
Mọi bộ phim đều cần
một câu chuyện (hay) để thành công, và sẽ tuyệt hơn nữa nếu câu chuyện ấy có thể chuyển
tải một vài thông điệp, hay chí ít cũng để lại ấn tượng cho người xem sau khi họ
rời rạp. Tôi tin là đội ngũ sản xuất Finding Dory đã rất chăm chút cho sản phẩm
tinh thần này, nhưng dẫu sao, mười ba năm cũng là quãng thời gian quá dài để
xây dựng một câu chuyện đơn giản đến như vậy (Finding Nemo ra mắt vào năm 2003).
Như chúng ta đã biết từ phần trước, Dory có một trí nhớ siêu ngắn hạn, và chính
vì thế mà cô nàng đã lạc mất gia đình và không thể tìm được đường trở về nhà.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, cuối cùng Dory đã không chỉ đoàn tụ với cha mẹ và những
người bạn cũ, mà còn có được một gia đình “mở rộng” ấm áp luôn yêu thương cô bất
chấp mọi khiếm khuyết. Thông qua Dory, chúng ta còn tìm thấy một thông điệp dạng
như: không ai trên đời là vô dụng - mọi
người đều có ích theo cách của mình. Nhưng đó chưa hẳn đã là thông điệp chính của bộ
phim. Với tôi, điều tôi cảm nhận được từ Finding Dory là một mệnh lệnh trực tiếp: Hãy về nhà (Go home).
Tiếng vọng từ
trung tâm hải dương học (The Marine Life
Institute) được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim, và đó gần như là điều
duy nhất đọng lại trong tôi sau khi bộ phim kết thúc: rescue, rehabilitation and release (tạm
dịch: cứu hộ - cứu chữa – trả về thiên nhiên). Nếu bạn cũng có chung mối quan
tâm như tôi, có lẽ điều đầu tiên hiện lên, nhấp nháy trong tâm trí bạn rất có
thể sẽ là: (Im)migration – di cư và nhập cư.
Mỗi nhân vật hoạt
hình được tạo nên theo một cách riêng và gần như không trộn lẫn. Chúng là duy
nhất. Bạn sẽ không tìm được điều này ở các diễn viên người thật: Johnny Depp là một những trường hợp tiêu biểu nhất của lối diễn một màu, hay
là copy and paste nhân vật từ phim
này sang phim khác. Trong khi đó, không tồn tại sự rập khuôn này trong thế giới
phim hoạt hình. Cá có thể có tên, có cảm xúc và giọng nói của con người và cư xử
như một con người thật sự. Nhưng hẳn là điều đó không hề làm bạn khó chịu? Tương
tự đối với văn chương hư cấu, hiện tượng ấy được gọi là ‘suspension of
disbelief’ (S.T. Coleridge) – việc bạn chấp nhập những yếu tố phi logic để nắm
bắt được câu chuyện đang được kể. Alice có thể chấp nhận chuyện một con mèo nói
chuyện hay không, nếu như nó chỉ cho cô con đường để thoát khỏi “giấc mơ” đó?
Càng theo đuổi câu chuyện, bạn càng cảm thấy những nhân vật trên màn hình là những
con người có cảm xúc: chính sự kết hợp giữa thật và giả, giữa cái đã biết và điều
không tưởng đã khiến cho bạn thêm ngạc nhiên và tò mò. Nhưng nếu như bạn gặp
Dory trên phố, trong bộ dạng của dân nhập cư, lang thang với trí nhớ 3s, liệu bạn
có dừng lại và nói chuyện với “cô ấy” không?
Finding Dory kể
câu chuyện về con người, của con người, bất chấp sự thật là không có con người
nào thực sự tham gia vào câu chuyện được kể. Và đây là những điều bộ phim đã thực
sự “nói” với tôi:
1
Di cư
là “tự nhiên” - đó là những gì được bác Rùa tuyên bố cho lũ cá con ngay từ những
phút đầu tiên. Ngẫm lại, điều này có vẻ khá kì cục khi một nhân vật hoạt hình,
tức là về bản chất còn không phải là một sinh vật sống biết tư duy mà chỉ là những
chuyển động trên màn hình, lại đi dạy bạn một điều gì đơn giản như thế. Bạn đã
biết điều này trong các giờ sinh học, và mỗi khi nhìn đàn chim bay về phương
Nam tránh rét, bạn hiểu đấy là một sự hiển nhiên. Nhưng bài học này có lẽ lại cần
thiết trong thời điểm này, khi bạn thấy những khối người đổ dồn sang các quốc
gia phát triển để tránh đói nghèo và chiến tranh, bạn lại cho rằng họ không có
quyền đó? Thái độ này có lẽ còn nực cười hơn là một con rùa biết nói.
2
Có điều,
sau thời điểm “khó khăn”, ta cần phải về nhà – đó chính xác là điều Finding
Dory đã truyền đạt với chúng ta. Vậy Nhà, hay Gia đình, ở đâu? Đối với Dory, mọi
thứ thật rõ ràng: nhà là nơi có bố mẹ, là nơi mình đã lớn lên. Với người di cư,
mọi chuyện có đơn giản như vậy không?
Mặt khác, trung tâm hải dương kiên quyết trả các sinh vật đã được chữa trị
về với biển, bất chấp “ước muốn” của một trong số chúng: như con bạch tuộc
Hank. Hank muốn ở lại, nhưng lại không
thế “nói”. Chính tại đây nảy sinh hai mâu thuẫn lớn không thể giải quyết, dù
tôi tin đây không phải là điều Finding
Dory muốn nêu lên: thứ nhất, các nhà khoa học chữa bệnh cho cá, nhưng không
một khoảnh khắc nào trong phim cho ta thấy cách thức họ giải quyết nguyên nhân
đã gây ra những căn bệnh ấy. Thứ hai, không hề có sự thấu hiểu giữa con người
và động vật: cá không nói được tiếng người, nhưng ác thay, chúng lại hiểu được
ngôn ngữ của loài người. Hai chi tiết nói trên có gợi nhắc bạn về điều gì tương
tự không?
Với tôi, đó là một trong số những bất đồng nảy
sinh giữa cộng đồng người bản địa và cộng đồng người di cư/nhập cư. Bạn không
biết lý do đã khiến họ rời bỏ quê hương xứ sở, bạn cũng không quan tâm đến tâm
tư, cảm xúc của họ khi bị xa lánh, xua đuổi. Bạn không hiểu ngôn ngữ của họ,
nhưng họ hiểu tiếng nói của bạn, và vì thế, họ dễ bị tổn thương hơn bạn rất nhiều.
Hai thông điệp này đến với tôi rõ ràng đến mức, trong bóng tối của rạp chiếu
phim M2K giữa Paris hoa lệ, tôi đã khóc. Tôi nhận ra mình không thể kết nối với
tất cả mọi thứ xung quanh, tôi nhớ thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi nhớ
gia đình mình và không hiểu tại sau mình lại ở đây, giữa những người xa lạ.
Theo một cách nào đó, tôi hoàn toàn đồng cảm với Dory, nhưng hành trình về nhà
của cô cá này lại đặt ra trước mắt tôi nhiều quan điểm đối nghịch, và trên hết, bộ
phim dường như chuyển tải một thái độ chủ đạo tại các nước thuộc thế giới thứ
nhất: tôi không được phép ở lại nơi không phải nhà mình.
Và nếu tất cả những điều này thực sự là những gì những nhà làm phim Finding Dory muốn chuyển tải, tôi cho rằng họ đã khá thức thời khi đưa lên màn ảnh một vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu: vấn nạn nhập cư. Điều duy nhất chúng ta có thể mong chờ sau đó, là cách người xem: trẻ em và phụ huynh của các em, hay các fan hâm mộ của Finding Nemo mười ba năm về trước và đang dần trở thành nền tảng thay đổi xã hội, sẽ nhận diện và xử trí ra sao với một thông điệp nhiều mâu thuẫn như vậy.
Và nếu tất cả những điều này thực sự là những gì những nhà làm phim Finding Dory muốn chuyển tải, tôi cho rằng họ đã khá thức thời khi đưa lên màn ảnh một vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu: vấn nạn nhập cư. Điều duy nhất chúng ta có thể mong chờ sau đó, là cách người xem: trẻ em và phụ huynh của các em, hay các fan hâm mộ của Finding Nemo mười ba năm về trước và đang dần trở thành nền tảng thay đổi xã hội, sẽ nhận diện và xử trí ra sao với một thông điệp nhiều mâu thuẫn như vậy.
Comments
Post a Comment