Skip to main content

Hiệu quả "Thật Bất Ngờ" của hình ảnh

Bài hát Thật Bất Ngờ được ca sĩ Trúc Nhân thể hiện lần đầu vào đầu năm 2015, với 1 MV chính thức xuất hiện trên youtube từ tháng 4/2015 trong một cuộc bình chọn âm nhạc. Tuy nhiên, sức hút của ca khúc này vào thời điểm đó, cũng như vào 6 tháng sau trên sân khấu Bài Hát Yêu Thích, không thể so với thời điểm hiện tại. MV ra mắt ngày 4/12/2015 đã đạt 1.132.274 lượt view sau 6 ngày, một con số khá ấn tượng trong hoàn cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay.

  Các bạn có thể xem video trước khi đọc những dòng dưới, hoặc đọc xong rồi xem cũng không sao

Tuy nhiên, khác hẳn với những phản hồi tích cực thời gian này, Thật Bất Ngờ không được đón nhận nhiệt tình trong (những) lượt thể hiện trước:
Trong bài đăng trên ngôi sao.net mang tiêu đề "Trúc Nhân bị chửi 'te tua' khi đả kích showbiz" có đoạn:
Sau khi ca khúc ra mắt vài ngày, Trúc Nhân nhận được những phản ứng trái chiều từ khán giả. Trong đó, điều anh nhận được nhiều nhất là bị chửi te tua. Anh bất ngờ vì nhiều người nói "nghe chẳng hiểu gì". Trúc Nhân tâm sự, anh không thể nào đứng nhìn nhạc Việt chỉ có "anh yêu em, em yêu anh, chúng ta chia tay nhau, đau khổ, vật vã...", mà cần có nhiều mảng màu khác nhau để tạo nên bức tranh hoàn hảo. Học trò Thu Minh biết sẽ gặp nhiều khó khăn khi hát Thật Bất Ngờ, nhưng "đã có gan hát rồi thì chuyện gì xảy ra cũng phải đối đầu với nó.
Vậy điểm khác biệt giữa hai làn sóng đối nghịch này là gì?

Trước hết, cần nhìn nhận thời điểm tái xuất của ca khúc này. Showbiz và truyền thông có một mối quan hệ tương sinh hết sức chặt chẽ: người nổi tiếng nhận được sự quan tâm, hay ngược lại là bị tẩy chay bởi người hâm mộ đều nhờ một phần đóng góp rất lớn của các phương tiện thông tin đại chúng. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, người nổi tiếng rao bán danh tiếng của mình qua kênh tiếp thị là mặt báo và các trang tin tức giải trí. Hiện tượng này không phải hiếm, vì trên thế giới có một biểu tượng điểm hình là Kim Kardashian, hay ở gần chúng ta hơn, là trường hợp của Ngọc Trinh. Dù sục sôi phản đối việc Ngọc Trinh nhận danh hiệu Ngôi Sao Châu Á tại Hàn Quốc với câu hỏi: Cô này đã làm được gì?, công chúng vẫn tiếp tục theo dõi các thông tin và "dậy sóng"về đời tư của cô người mẫu này. Khái niệm người nổi tiếng đang dần thay đổi, khi bạn chỉ cần một chiếc máy tính có webcam và nối mạng để tự PR về bản thân trên youtube. Tính cá nhân, đời sống riêng tư luôn là những chủ đề được báo chí tập trung khai thác, vì nó có thể nâng cao sự bóng bẩy của một thương hiệu, hoặc đánh sập nó hoàn toàn. Những ngôi sao hạng A hiện tại, không hẳn là những người thành công nhất trong sự nghiệp của họ, mà là những người biết đẩy hình ảnh của mình đi xa nhất, có độ phủ sóng rộng rãi nhất. Các talkshow với người nổi tiếng không còn là loại hình xa lạ với cái đài truyền hình Mỹ, nơi có mạng lưới săn tin hết sức hùng hậu. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều các chương trình đi theo thể loại này: Chuyện đêm muộn, Bữa trưa vui vẻ, Ghế không tựa... Một trường hợp khá thú vị và gây chú ý trong thời gian gần đây là talkshow Bitches in Town - Những kẻ lắm lời do VJ Thùy Minh là người phụ trách nội dung. Tìm hiểu qua các chương trình Thùy Minh đã làm, có thể nhận một lượng lớn trong số đó có đối tượng khai thác là người nổi tiếng. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của Biches in Town là một nỗ lực tách ra ngoài những dòng tin ồ ạt có và không có định hướng. Cách tiếp cận đối tượng người nổi tiếng cũng có sự điều chỉnh: thay vì đối thoại và tạo nên một tình huống "sân khấu" (hướng spotlight về phía người nổi tiếng với những câu hỏi gợi mở), người dẫn chương trình sắm vai những độc giả để nêu lên ý kiến cá nhân của mình. Tính chính danh của các phát ngôn đã dẫn đến những luồng dư luận trái chiều, đa phần là tiêu cực với đối tượng bị chỉ trích là những người có-thể-nhận-trách-nhiệm về nhận định của họ. Tình huống này khôi hài ở chỗ, dư luận đang tự mâu thuẫn với chính mình.

Người nổi tiếng là một khái niệm, không phải là một cá nhân. Nhưng để trở thành "người nổi tiếng", bạn phải là một cá nhân không bị lu mờ bởi đám đông. Phô bày bản thân để nhận được sự chú ý, kết quả không mong đợi thường là trở thành miếng mồi ngon cho bầy kền kền rỉa thịt. Dù thực chất, chúng ta cũng không thể hiểu rõ "bầy kền kền" ở đây là ai. Những kẻ săn tin? hay những độc giả nhàn rỗi luôn yêu cầu sự mới lạ?

Bài hát mà Trúc Nhân thể hiện liệu có phải là một lời móc mỉa nhẹ nhàng hay đang nói lên sự thật mà ai cũng biết nhưng vờ như không thấy?

Để hiểu một cách đơn giản nội dung của bài hát này, có lẽ bạn nên xem một bộ phim Việt của đạo diễn Victor Vũ, là Scandal. Câu chuyện luôn là vậy, khi nó vốn là vậy. Một cá nhân muốn trở thành trung tâm của đám đông, được tung hô, xì xào bàn tán. Và cách thức thì thật đơn giản: gây scandal. Loại dễ dùng nhất và thu hút nhất là bê bối tình ái. Nhưng nếu nội dung của bài hát chỉ có vậy, có lẽ nó chỉ sôi nổi trong một hoàn cảnh bất thường (như hiện tại). Chính bởi vậy, ta mới cần viện đến sức hấp dẫn thị giác của hình ảnh và liên tưởng.

Xu hướng ngược dòng quá khứ để làm mới hiên tại không phải là hiếm. Thời trang luôn là sự lặp lại của cái cũ: vintage, hippie và Golden Age. Cái đẹp mà trước mắt bạn không hẳn chỉ là xung động thị giác, mà còn kích thích sự hồi tưởng. Chiếc túi này thật độc đáo, không chỉ vì nó màu đỏ và có hình chim phượng, mà nó còn gợi cho bạn kí ức về những ngày thơ ấu. Các hãng hàng luôn tìm mọi cách cá nhân hóa sản phẩm của mình, một khi bạn tìm được sự đồng cảm, bạn sẽ không ngần ngại mua "một vé về tuổi thơ". Bạn thấy hạnh phúc trong vòng tay gia đình, đó là lí do quảng cáo dầu ăn luôn gắn với hình ảnh sum họp, dù thực chất dầu ăn có tốt hay không, không liên quan đến mức độ hòa hợp của gia đình bạn. Đó chính là điều đã được khai thác trong MV Thật Bất Ngờ.

Ảnh trích từ MV
Những hình ảnh được dàn dựng nằm gợi lại một kí ức quen thuộc về những năm 80-90 của thế kỷ trước. Người xem thấy ngờ ngợ: một khu tập thể đông đúc nhiều thế hệ, những cửa hàng nhỏ hàng xóm bán cho nhau, hàng sửa xe đầu ngõ, chiếc xe cub của bố mẹ hồi xưa, cái chợ tạm họp mỗi sáng, những người già tập dưỡng sinh, người trung niên hút thuộc lào và đánh cờ, cô quét rác, cậu bé bán báo... Đó không chỉ là kí ức của một cá nhân, mà của nhiều thế hệ. Bất cứ ai cũng có thể tìm được một hình ảnh quen thuộc và khơi gợi trong tập hợp này. Nhưng đối tượng khả thi nhất và phù hợp nhất là người trẻ, thế hệ 8x-9x được sinh ra trong một thời điểm chuyển giao và đổi thay mạnh mẽ.

Nhưng sau ấn tượng ngọt ngào ban đầu đó, chúng ta nhận ra rằng: những hình ảnh trước mắt thực ra không hoàn toàn liên quan, hay minh họa cho nội dung bài hát.
Quay về MV tập trung vào khả năng ca hát của Trúc Nhân (hát live và không có hình ảnh minh họa), một số bình luận gần đây nhất là:


Trước đó, có những ý kiến xem đây là một ca khúc nhảm nhí, sáng tác ra để kể xấu đồng nghiệp. Nhưng nhìn vào hai bình luận trên đây, chúng ta có thể nhận thấy Thật Bất Ngờ được nhìn nhận như một trò đùa, được lồng ghép vào các chương trình giải trí.
Sự "vui tai" cũng là một đặc điểm được nhiều nghe chia sẻ, chính Trúc Nhân cũng ngạc nhiên khi nhiều người nói "nghe chẳng hiểu gì" (đoạn phỏng vấn ở trên). Tiết tấu nhanh của bải hát khiến cho người nghe gặp khó khăn để bắt kịp trình tự của các vấn đề được nêu ra.

Trên báo những thông tin chen nhau đi một hàng
Người đàn bà hở hang
xong đến chuyện người thì nở nang
xong đến chuyện mặt hàng thời trang
lôi cuốn người người đọc vào ban sáng.
Khác với mô hình của một ca khúc dễ nghe và dễ nhớ, khai thác những chủ đề dễ dãi, cú pháp của Thật Bất Ngờ mang đậm tính khẩu ngữ - câu từ được cấu trúc theo ngôn ngữ nói thường ngày. Ngắn gọn và gay cấn, lại chính là đặc điểm của các dòng tít mà các phóng viên chọn cho bài đăng của mình, không khác gì "những thông tin chen nhau đi một hàng". Người đọc bị lôi cuốn vào dòng lũ hỗn độn này, và quen dần đi, cho đến khi chúng được hát lên theo một nhịp điệu phù hợp. Nhưng điều gì tạo nên sự khác biệt lớn nhất giữa các mẩu tin mạng và các trang báo giấy truyền thống? Đó là sự áp đảo của hình ảnh.
Trong bài phỏng vấn gần đây của kenh14.vn với một hot girl về chuyện công khai người yêu mới, số lượng từ đếm được xấp xỉ 2000, và số lượng ảnh là 9. Tương quan giữa văn bản và hình ảnh là 1 ảnh trên 200 từ, và người đưa tin đã chọn cách trình bày: sau lượt đối đáp (PV hỏi - nhân vật trả lời) là một bức ảnh chụp nhân vật trong cuộc nói chuyện.


Khảo sát ở trên được thực hiện trên slate.com, một tạp chí online đăng tải các bài phân tích ngắn (2000 từ) về các chủ đề đại chúng, đến năm 2014, có khoảng 9000 người đăng kí dịch vụ trả tiền để cập nhật nội dung hàng tháng. Biểu đồ trên cho thấy, tỉ lệ người đọc kéo hết trang (percent of content scrolled through) cao nhất khi trang đó có chứa hình ảnh và video. Tác động của màu sắc và hình động được khai thác ở mức tối đa, lôi kéo sự chú ý của người xem - đồng thời là những người tiêu dùng tiềm năng.
Những dẫn chứng này được đưa ra để củng cố mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi" trong các xây dựng MV của Trúc Nhân. Lời hát không còn là một chuỗi các từ ngữ cần giải mã ý nghĩa, mà đã được chia nhỏ, minh họa bằng những hình ảnh. Tuy nhiên, những hình ảnh này không chỉ "chống lưng" cho từ ngữ, mà còn hé mở những ẩn ý khác. Ví dụ, hình ảnh anh bán thịt lợn ở 2:40 không hề phản ánh sự hở hang của người đàn bà được báo chí nhắc đến, nhưng nhờ vào sự tương đồng trong hay hình ảnh da thịt (phô bày thịt người và bày bán thịt lợn), ta nhận ra mối liên hệ so sánh giữ hai đối tượng - mà thực chất là thủ pháp ẩn dụ (metaphor). Các sự việc trong video tuân theo một tiến trình riêng với các nhân vật riêng, không hẳn liên quan đến trình tự tự sự trong lời hát.

Tính thời sự của MV được khẳng định thông qua một số chí tiết gợi nhớ: cửa hàng bán mì Lê La - cô giáo tiếng Anh Lê Na, quảng cáo bán hàng đa cấp v..v không có trong nội dung của bài hát. Tuy nhiên, tập hợp hình và tiếng không hề đối chọi nhau. Đó là nhờ mối liên kết có trong hình ảnh Chiếc loa phường và Cậu bé bán báo cho Trúc Nhân đóng vai. Hai hình ảnh này đều mang tính biểu tượng: đó chính là những phương tiện cung cấp thông tin cho chúng ta hàng ngày. Nếu như Chiếc loa phường có tính chính danh - không ai có thể đặt câu hỏi về độ xác thực của thông tin qua kênh tin tức ấy, dù nó chỉ hiện hữu như một đồ vật trong đời sống thường ngày. Ngược lại, những tờ báo được rao đến tay chúng tay mỗi sáng, chúng ta có thể chọn mua hoặc không mua. Nhưng điểm chung của những thông tin này là chúng đều có thể đánh lạc hướng người đọc, hay đưa ra những thông tin sai lệch (hình ảnh cậu bé bị tờ báo che kín mặt ở 4:26). Mà sự thật là, nếu không có những mẩu tin ấy, đời sống vẫn diễn ra một cách bình thường.

Một điểm khác khá thú vị trong bài hát do Mew Amazing sáng tác, là tính đa thanh (polyphony) - có nhiều giọng nói trong cùng một dòng tự sự.
(1)
Từng ngày vội vội vàng đi qua,
câu chuyện ngày ngày càng đi xa
Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia tay tôi, (tôi không có lỗi)
Và màn hình ti vi, đêm ngày trồng trọt (?) vào trong trí óc
Về một thế giới, như mơ, như thơ, như ly kem bơ ôi thật bất ngờ!
(2)
Trên sóng những âm thanh xôn xao đang mời chào
Chị cần gì ở đây…? (Tôi muốn đẹp xuất sắc)
Thì ngồi vào đây… (Tôi muốn đẹp xuất sắc)

Thì điền vào đây …
Không có gì thì mình sẽ mua nấy! 
Nếu coi lời hát là một lời kể chuyện, thì tại (1), xuất hiện giọng của một nhân vật thứ hai - phần in đậm và tại (2), là cuộc đối thoại giữa hai nhân vật - phần in đậm và trong ngoặc đơn.
Mặt khác, khi theo dõi mạch kể này, người nghe có thể cảm thấy bối rối giữa lời của người kể khách quan và lời của nhân vật chủ quan thể hiện ước mơ trở thành người nổi tiếng. Mâu thuẫn này đã được giải quyết bằng cách phá vỡ khung cảnh vốn có, đưa nhân vật chính sang một bối cảnh khác: trên sân khấu và trở thành con rối bị giật dây. Bối cảnh này, sau đó được giải thích như một giấc mơ của cậu bé bán báo, nhưng có lẽ lại nêu lên một sự thật không quá bất ngờ: ai trong số những người đọc và thèm khát thông tin từ người nổi tiếng cũng có ao ước trở thành một người trong cộng đồng hào nhoáng đó.
Một chi tiết nhỏ khác, đó là tiết tấu nhanh của bài hát đã được hợp lý hóa bằng các âm thanh của đời sống: tiếng gõ cửa, tiếng chặt thịt lợn hay đơn giản là tiếng một chiếc cốc vỡ trên nền đất.

Chính nhờ cách xử lý hài hòa này, bài hát đã có một sức sống mới và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhờ vào những chi tiết quen thuộc của đời sống thường ngày.

Hình ảnh đôi khi mạnh hơn từ ngữ, có lẽ MV này của Trúc Nhân chứng minh một trường hợp đúng. Hình ảnh đã nói được nhiều hơn, và nói được sâu hơn những gì ẩn chứa (hoặc được phô bày) trong ca từ của một bài hát hay.
---
Nguồn tham khảo:
http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/showbiz-viet/truc-nhan-bi-chui-te-tua-khi-da-kich-showbiz-3266719.html
https://www.youtube.com/watch?v=3_Zhdstfdew (MV Official)
http://www.slate.com/articles/technology/technology/2013/06/how_people_read_online_why_you_won_t_finish_this_article.html

---
Ngoài lề:
Nhiều người đã nhận ra sự tương đồng giữa khung cảnh trong video và bối cảnh trong phim Tuyệt đỉnh Kungfu của Châu Tinh Trì. Câu hỏi ở đây là: đó có phải kitsch không? (đối với cả hai) và nếu một không gian cũ - của kí ức được tái lập một cách đơn giản như thế (chỉ cần thêm các biển quảng cáo vẽ tay theo phong cách của thập niên trước cùng với sự sắp đặt một số đồ vật) thì quả thật quá khứ đã lồng chặt vào hiện tại.
Xem thêm tại: http://kenh14.vn/doi-song/nhung-hinh-anh-rat-ha-noi-cua-khu-tap-the-that-bat-ngo-20151205201144988.chn

Nếu như vậy thì ta có thể tái hiện lại Hà Nội của những năm 90 bằng Hà Nội của năm 2015 mà không cần tốn nhiều công sức. Hãy tưởng tượng việc đưa Hongkong của năm 2000 về lại khoảng thời gian đó. Đôi khi cũng thấy "Thương lắm Hà Nội ơi!" !!

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...

/truyện - người nghệ sĩ bên ngoài bức tường

Platon nói, không có chỗ cho nghệ sĩ trong thành phố của tôi. Người nghệ sĩ chưa bao giờ đặt chân đến đó. Để đi đến thành phố của Platon, người nghệ sĩ đã lênh đênh trên rất nhiều con thuyền khác nhau, ăn những mẩu bánh mỳ thừa từ bữa ăn của các thủy thủ, và nhấm nháp những quả táo lên men. Những đêm biển lặng và bầu trời quang đãng, anh hát cho họ nghe những khúc ca của mặt đất. Tiếng hát và tiếng đàn hòa vào tiếng sóng vỗ ồ oạp vào mạn thuyền, đôi khi họ cũng hát với anh, đôi khi họ chỉ im lặng lắng nghe. Người nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng hát những giai điệu do anh tự nghĩ ra, và kể cho chú bé học việc trên tàu rằng những con mòng biển đã dạy anh âm nhạc. Chúng chở trên đôi cánh những khúc ca của sóng và gió. Chú bé lắng nghe anh chăm chú và nói rằng hình như ngày bé, chú cũng từng hiểu ngôn ngữ của các loài chim. Khi lớn lên người ta bảo chú phải chọn lấy một nghề, như là làm nông, thợ rèn hay vào quân đội bảo vệ thành phố, chứ không thể có chuyện một con người hẳn hoi mà lại hót n...