Skip to main content

Sen thì xấu hay đẹp?

Loanh quanh tìm sen trong đầm

Rộ hè, đi đường toàn thấy hoa quỳ. Online, toàn ảnh gái chụp với sen. Đầu tiên thấy buồn cười, thấy bực, rồi thì thấy buồn. Tự dưng thấy thương thay cho thanh niên trai tráng nhà ta, một (vài) thế hệ quay tay trước màn hình máy tính. Lan man nghĩ, ở làng Vũ Đại có Thị Nở một đêm mát giời bỗng dưng từ người không có gì (không duyên, không tiền, không phận) thành có rất nhiều (có duyên, có tình..rồi có..chửa). Nếu thị không tênh hênh thế thì đời Chí chắc khác, làng ấy chẳng khác. Thế thì bực gì?

Thứ nhất, ai bảo phải ra hồ (đầm) sen, phải mặc yếm thì mới chụp ảnh mới đẹp, mới nghệ thuật?

Hồ sen, đầm sen là để trồng sen. Như vậy, thứ đáng quan tâm nhất ở đấy phải là Sen, nếu không nói là cần phải được tôn vinh nhất. Hay người ta đã quá ngán với cái câu lặp đi lặp lại hàng trăm năm chỉ vì (?) có vần:

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại xen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"

Bỏ xừ, sen trong này màu trắng ạ. Hồ Tây ta chỉ có sen hồng. Sen hồng lá xanh cánh dày. Trà sen, hạt sen, cốm. Đừng vội bảo đấy là tinh hoa dân tộc, chỉ cần nhớ rằng thuở bé (và cả khi lớn lên rồi), ta nhớ về sen như điều gì thật thanh và thật gần. Gần đến nỗi phải đẹp bằng sen với chịu!

Hồ sen, đẹp bằng sen, đẹp gần sen, cho tôi xin con thuyền nhẹ, có bàn tay thơm sống đời với nước, với hoa. Triết lý tí: xin cho cái gì đẹp, trong hoàn cảnh này, là cái gì hòa hợp.

Đừng có trái phấn bôi son, xống áo lòe loẹt để về với tự nhiên, với "tinh hoa dân tộc".

Mà ai nói phải mặc yếm ra hồ sen nhỉ? Trông cái yếm giống cánh sen à? Hay giống cái gì nữa? Đã nói rồi, có Thị Nở hôm ấy lỡ làng thôi, chị em sao lại học theo cái lối ấy. Bảo là "khoe thân trá hình" thì có quá đáng lắm không nhỉ?
Với những chị không mặc yếm ra hồ, chưa chắc đã là đẹp, là duyên, là có ý tứ. Vì vốn không hòa hợp. Áo dài thực ra rất bí, mùa hè thực ra rất nóng, hồ sen thực ra rất mát. Mặc gì ở đâu cũng là một nét văn hóa có lựa chọn cơ mà.

Theo hiểu biết hạn hẹp của mình về cái gọi là nhiếp ảnh, tùy theo mục đích muốn "chộp" cái gì mà lấy nền cho phù hợp. Một dạo có kiểu "chụp ảnh xóa phông", để làm nổi bật chỉ người trong ảnh. Chụp ở hồ sen mà để khoe cái gì muốn khoe, chả lẽ lại "chụp ảnh xóa sen"? Đâu có được. Sen đẹp mà, sen đẹp thì tôn lên người đẹp, theo thủ pháp đòn bẩy ấy. Thế mà toàn hô hào những tinh thần gì khác kia. Nếu mà đã tự mâu thuẫn như thế, thì đừng nói đến nghệ thuật làm gì.

Chốt lại, cái hồ/đầm ấy nó bẩn, tanh, đầy bùn (nếu câu có vần kia đúng) thì quẫy đạp cái gì ở đấy hả trời. Muốn tắm (với yếm cho ý nhị) thì về ao nhà mà tắm, các cụ bảo thế chứ không phải ai bịa ra đâu.

Thứ hai, ai cũng có quyền tự hào với cơ thể mình, nhưng đừng tự biến thành đối tượng vô tri cho (những) cái nhìn vô duyên. Trong khi có những người vẫn đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ, lại vẫn có những người ở một phía khác, vô thức, không hẳn đối nghịch, sẵn sàng phô bày thân thể cho một sự bất công tính dục. Sen có phải biểu tượng cho dục không? Phụ nữ ăn mặc thiếu vải ôm sen giữa hồ sen có mang ý nghĩa "tế nhị" nào không? Không chỉ đơn giản là phản cảm.

Tạm kết luận, có 4 yếu tố: tự nhiên, truyền thống, cái Đẹp (nâng cấp lên Mỹ học cho nguy hiểm) và khái niệm "the gaze" của Lacan (lượm lặt được). Tốt khen xấu chê, và luôn có ác cảm với mọi phong trào hehe

Cũng thật dễ có một thái độ "kinh hoàng", sen thì vẫn là sen.

Comments

Popular posts from this blog

Thế nào là “không gian” trong sân khấu? – một số gợi mở từ Die Klage der Kaiserin (1989) của Pina Bausch

. [Bài viết từ tháng 6 năm 2021]         Die Klage der Kaiserin là bộ phim đầu tay và cũng là duy nhất của Pina Baush. Phim được quay từ tháng mười năm 1987 đến tháng tư năm 1988 tại Wuppertal, ra mắt vào năm 1989 nhưng phải tới năm 2011 mới được phát hành bản DVD. Trong gần năm thập kỷ sự nghiệp, Bausch chỉ vài lần cho phép các tác phẩm của mình được thu hình lại, vậy nên ngoài việc tới nhà hát xem tận mắt, khán giả có khá ít cơ hội để trải nghiệm trọn vẹn các tác phẩm của bà. Cơ hội ấy đã mở ra với Die Klage der Kaiserin (tạm dịch: “Lời than thở của nữ vương”) - một thử nghiệm đưa sân khấu kịch-múa của Pina lên màn hình lớn, khi nghệ sĩ chấp nhận những khả năng và những rủi ro của việc dùng các phương tiện của điện ảnh để diễn giải sân khấu.       Bộ phim mở ra với một cảnh ngoại, ở chính giữa khung hình là một người phụ nữ đang dùng máy thổi lá để thổi tung những chiếc lá vàng đang phủ kín mặt đất xung quanh. Âm thanh thực của cảnh ...

no man's land hay là Vua Lear và Manon Lescaut

King Lear và đoạn kết của Manon Lescaut (các hình ảnh trong bài được lấy từ nhiều nguồn trên internet) Khái niệm " no man's land " trong bài được hiểu với nghĩa: vùng đất không có người ở hay không có sự hiện diện của con người. Khi bị hai con gái bỏ rơi, Lear hóa điên và đi vào cơn bão. Mưa gió hay sự thịnh nộ của thánh thần đã khiến Lear trở thành hình tượng chân thực nhất cho condition humaine (*): khi tất cả của cải vật chất, địa vị đều tan rã, con người trở về nhân dạng trần trụi của mình. Điều đó đã được Shakespeare hé lộ với Poor Tom (Edgar giả dạng) để mào đầu cho bi kịch của Lear. (tóm tắt Vua Lear bằng tiếng Việt tại đây ) Act 3, scene 4 Why, thou wert better in thy grave than to answer with thy uncovered body this extremity of the skies.—Is man no more than this? Consider him well.—Thou owest the worm no silk, the beast no hide, the sheep no wool, the cat no perfume. Ha! Here’s three on ’s are sophisticated. Thou art the thing itself. Unac...

/truyện - người nghệ sĩ bên ngoài bức tường

Platon nói, không có chỗ cho nghệ sĩ trong thành phố của tôi. Người nghệ sĩ chưa bao giờ đặt chân đến đó. Để đi đến thành phố của Platon, người nghệ sĩ đã lênh đênh trên rất nhiều con thuyền khác nhau, ăn những mẩu bánh mỳ thừa từ bữa ăn của các thủy thủ, và nhấm nháp những quả táo lên men. Những đêm biển lặng và bầu trời quang đãng, anh hát cho họ nghe những khúc ca của mặt đất. Tiếng hát và tiếng đàn hòa vào tiếng sóng vỗ ồ oạp vào mạn thuyền, đôi khi họ cũng hát với anh, đôi khi họ chỉ im lặng lắng nghe. Người nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng hát những giai điệu do anh tự nghĩ ra, và kể cho chú bé học việc trên tàu rằng những con mòng biển đã dạy anh âm nhạc. Chúng chở trên đôi cánh những khúc ca của sóng và gió. Chú bé lắng nghe anh chăm chú và nói rằng hình như ngày bé, chú cũng từng hiểu ngôn ngữ của các loài chim. Khi lớn lên người ta bảo chú phải chọn lấy một nghề, như là làm nông, thợ rèn hay vào quân đội bảo vệ thành phố, chứ không thể có chuyện một con người hẳn hoi mà lại hót n...